Nhà ở thương mại tìm cách cạnh tranh nhà ở xã hội
Giới bất động sản cho rằng, nhóm sản phẩm có mức giá trên 15 triệu/m2 sẽ phải tự "bơi" để giải phóng hàng tồn kho. Và nhân lúc nhà ở xã hội có mức giá 10 triệu/m2 còn đang chờ thủ tục chưa thể ra hàng thì giảm giá sát với giá nhà ở xã hội để bán cũng là một giải pháp.
Ông Nguyễn Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng: "Trước khi chờ cứu doanh nghiệp phải tự cứu mình. Giảm giá bán thậm chí có doanh nghiệp bán hoà vốn và có doanh nghiệp chịu bán lỗ".
Một số doanh nghiệp bất động sản lập luận, giảm giá nhưng người mua không tiếp cận được với vốn vay, đặc biệt là với lãi suất thấp thì cũng khó đưa ra quyết định mua. Vì vậy, một số doanh nghiệp đưa ra chiêu thức cạnh tranh lãi suất với nhà ở xã hội.
Một chủ đầu tư cho biết, lãi suất hiện nay của nhà ở xã hội là 6% vì vậy, muốn dành khách hàng về phía mình phải có mức lãi suất gây sốc thậm chí bằng 0%, làm sao xóa bỏ lo lắng về lãi vay và biến động lãi vay mới khiến người mua nhà mạnh dạn quyết định mua lúc này.
Theo nhận định của giới bất động sản, mặc dù nhiều dự án thương mại đang ồ ạt chuyển đổi sàng nhà ở xã hội để ra được sản phẩm giá khoảng 10 triệu/m2, nhưng xong thủ tục xin chuyển đổi cũng phải mất hàng năm, trong khi đó nhà ở thương mại cũng có những lợi thế nhất định.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Ủy viên Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng: "Nhà ở thương mại có những ưu thế hơn hẳn nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội tuy giá thành rẻ, diện tích nhỏ nhưng lại có quy định ràng buộc kể cả nộp tiền đủ 100% cũng không được mua bán, giao dịch trong vòng 5 năm trong khi nhà ở thương mại dù người ta mua đắt nhưng nhu cầu, định vị trong xã hội thì dù rẻ người ta cũng không ở".
Theo thống kế mới nhất, Hà Nội hiện còn khoảng 5.000 căn hộ và TPHCM có 14.000 căn hộ tồn kho. Theo thông tin từ thị trường, trong khoảng 2 tuần gần đây, phân khúc căn hộ chuẩn bị đưa vào sử dụng đã có xu hướng tăng lượng giao dịch, nhất là tại những dự án có mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 và diện tích hợp lý .
Nguồn VTV