Các công ty bất động sản tìm giải pháp để hồi phục sau giai đoạn giãn cách. Ảnh: Quý Hòa.
Nhà ở sẽ bật dậy sau dịch?
Nhu cầu vẫn cao
Giãn cách kéo dài hơn 4 tháng khiến thị trường bất động sản gần như đóng băng. Tuy nhiên, đây lại là ngành được dự báo sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ, nhất là ở phân khúc nhà ở.
Ở các quốc gia đã kiểm soát được dịch, khi xã hội ổn định trở lại thì thị trường bất động sản bùng nổ trước tiên. Theo dữ liệu của Hiệp hội Môi giới quốc gia Mỹ (NAR) công bố cuối tháng 7 vừa qua, doanh số bán nhà tại Mỹ đã tăng cao kỷ lục, với giá bán trung bình một căn tăng đến 23,4%.
Thị trường bất động sản TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa. |
Số liệu mới nhất của Savills Research cũng cho thấy, phân khúc nhà trở thành phân khúc lớn nhất toàn cầu. Chỉ 6 tháng đầu năm 2021, đã có 136 triệu USD đầu tư vào phân khúc này, tăng 35% so với cùng kỳ.
Từ trong đại dịch và phải làm việc ở nhà, nhiều người nhận ra, ngôi nhà hiện tại của họ đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu. Sự thay đổi này đã thúc đẩy số lượng giao dịch tăng. Ở Việt Nam, tuy chưa ghi nhận sự thay đổi tương tự nhưng người Việt cũng có lý do để chú ý đến phân khúc nhà ở.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở Công ty CBRE Việt Nam, cho rằng, trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Thậm chí, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và phải trải qua những ngày giãn cách tù túng tại đô thành, nhiều người mong muốn có thêm chốn an cư mới ở vùng ven, với không gian thoáng đãng và yên bình. Đây là những lý do ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Tập đoàn Đất Xanh, xác nhận, ngay sau khi có thông tin mở cửa trở lại, lượng người tìm mua, thuê bất động sản tăng vọt.
Trước đó, theo Bộ Xây dựng, tổng lượng giao dịch căn hộ, nhà ở riêng lẻ, đất nền bình quân quý II/2021 bằng khoảng 118% quý I và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ. Người dân vẫn tin tưởng vào triển vọng thị trường bất động sản nên không bán tháo.
Ở phương diện đầu tư, báo cáo của VinaCapital chỉ ra, người Việt ưu tiên kênh đầu tư bất động sản. CBRE Việt Nam nghiên cứu, trước khi COVID-19 tái bùng phát, dòng tiền chủ yếu đổ vào bất động sản chiếm tới 75% trong khi chứng khoán chỉ 35%. Dòng tiền này đã chững lại vì dịch nhưng hứa hẹn bật dậy khi bị nén khá lâu.
Khoảng gần tháng nay, các công ty bất động sản đã chuẩn bị cho cuộc đua mới. Nhiều công trình tại TP.HCM như dự án Khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole Thủ Thiêm (do Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư) hay dự án Khu biệt thự Armena (Khang Điền) đã tái khởi động.
Ở khu vực phía Tây, khu Nam TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã sẵn sàng mở cửa và triển khai bán hàng trở lại sau thời gian giãn cách. Dù vậy, như ông Vincent Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Savills TP.HCM, nhận định nguồn cung hạn chế, số lượng tồn kho giá thành cao và vấn đề pháp lý tồn đọng ở một số dự án... sẽ ít nhiều gây khó khăn cho thị trường. “Với việc phát triển nhiều dự án tại các quận ngoại thành, vấn đề nguồn cung sẽ được cân bằng trong tương lai”, ông Vincent Nguyễn đánh giá.
Dịch chuyển về tỉnh
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ năm 2020, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... ngày càng trở nên khan hiếm, khiến giá đất ngày một tăng cao. Do đó, xu hướng đầu tư dịch chuyển về tỉnh ngày càng tăng.
Hiện tại, theo Savills, có 2 yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu bất động sản. Một là kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô. Hai là có sự hiện diện của những nhà phát triển bất động sản trên thị trường. Căn cứ vào đây, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng... là những khu vực hấp dẫn. Còn ở phía Bắc, theo Batdongsan.com.vn, Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh... nhận được nhiều sự quan tâm.
Ở những địa phương này, đất đai đủ rộng để chủ đầu tư triển khai các dự án lớn, có điều kiện sáng tạo quy hoạch, thiết kế dự án với nhiều tiện ích, giá trị và đưa ra mức giá dễ bán hơn, tạo sức hút với khách hàng. Hơn nữa, nhiều công ty địa ốc muốn chuyển hướng ra khỏi đô thị vì biên lợi nhuận khi đầu tư ở tỉnh lên tới 30-40% trong khi tại TP.HCM chỉ khoảng 15%.
Bình Dương hiện quy tụ nhiều gương mặt đầu tư như Golden Alpha, Á Châu, Kim Oanh, Becamex, Tokyu Corporation (Nhật)... Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Savills Việt Nam, xét về cơ sở hạ tầng, công ăn việc làm và tiện ích cộng đồng, gồm cả trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, thì Bình Dương đang đáp ứng rất tốt và được dự đoán sẽ ngày càng hoàn thiện. Đây là những yếu tố bản lề để thúc đẩy thị trường bất động sản. “Nếu có những dự án nhà phố hay biệt thự quy mô và bài bản thì sẽ càng có sức hút”, ông nói.
Riêng Vũng Tàu có hạ tầng và các điều kiện khác để đáp ứng khuynh hướng mua nhà thứ 2 của người dân. Theo Savills, sức hấp dẫn khác của Vũng Tàu là người dân có thể sống gần biển và tìm một công việc ngay trong trung tâm thành phố. Vì thế, không chỉ những dự án nhà phố, biệt thự mà nhu cầu mua chung cư ở Vũng Tàu cũng rất cao. Thêm vào đó, ông Khương cho rằng, quỹ đất còn tương đối cao ở Vũng Tàu sẽ cho phép các công ty khai thác sâu hơn vào phân khúc chung cư.