Ảnh: nld.vn

 
Viết Nguyên Thứ Năm | 10/08/2023 14:00

Nhà ở cho công nhân: Bao giờ cung kịp cầu?

Nhà ở công nhân luôn là vấn đề nóng bởi cung cầu trong phân khúc này chưa bao giờ gặp nhau.

Nguyễn Thị Mai là công nhân ở NaMilux (Khu Công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) đã hơn 10 năm nay. Đó cũng là chừng ấy thời gian gia đình cô chen chúc trong căn phòng chật hẹp của khu nhà trọ. Thỉnh thoảng Mai cũng mơ về căn nhà riêng nhưng cả 2 vợ chồng Mai đều hiểu đó là ước mơ xa vời.

Giấc mơ khó với
Tổng thu nhập của vợ chồng Mai chỉ khoảng 15-16 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí và lo ăn học cho 2 con xong là gần như sạch tiền. Những lúc đau ốm hay 2 bên nội ngoại có việc, vợ chồng Mai đều phải chắt chiu hoặc vay mượn. Chưa bao giờ Mai cầm trong tay số tiền dư dả 20-30 triệu đồng. Vì thế, với Mai, chuyện mua đất, mua nhà là vô cùng mờ mịt.

 

Không riêng gì Mai, hàng triệu công nhân cũng ở tình cảnh tương tự. Theo tính toán của ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/tháng, dù thắt lưng buộc bụng, công nhân cũng phải tích lũy 10-20 năm mới hy vọng mua được nhà. Còn nếu làm đến đâu hết đến đấy, chuyện mua nhà là không thể.

Thực tế, chỉ riêng với nhà ở bình thường, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết: “Giá nhà tại Việt Nam đã cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hằng năm, khiến người Việt ngày càng khó sở hữu nhà ở”. Với công nhân - những người có thu nhập còn thấp hơn mức bình quân, cơ hội mua nhà lại càng xa vời.

Dù vậy, họ không từ bỏ giấc mơ của mình. Theo Savills, hơn 50% trong tổng 4,5 triệu lao động trong các khu công nghiệp khao khát chỗ ở, tương đương nhu cầu nhà ở là 12,5 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2021 cả nước chỉ có 122 dự án nhà ở cho công nhân, với khoảng 2,7 triệu m2. “Tính ra nguồn cung hiện hữu mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu thực tế của công nhân lao động”, bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn và Định giá, Savills Hà Nội, nhận định. Đó cũng là lý do 60% số công nhân phải thuê trọ trong các khu nhà trọ (theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Đi tìm giải pháp 
Để hỗ trợ cho công nhân mua nhà, mới đây Chính phủ đã ký Quyết định 486 về cho vay ưu đãi (4,8%/năm) tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn đề xuất gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua nhà với lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm.

 

Về phía các địa phương như Bình Dương cũng tạo điều kiện để Becamex IDC trở thành đơn vị chủ lực khi xây 64.000 căn hoàn thiện cho người thu nhập thấp, với giá bán khoảng 100-160 triệu đồng/căn. Sắp tới, Công ty dự kiến xây thêm gần 120.000 căn nữa. Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở, Becamex IDC quyết tâm hạ giá thành tối đa bằng việc lựa chọn quỹ đất đã được chuyển mục đích sử dụng, xây dựng linh hoạt (diện tích từ 30-50 m2, có gác và không gác...), chỉ tính giá bán theo giá trị xây dựng và các hạ tầng khác, chứ hoàn toàn không tính giá đất. Becamex IDC cũng liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ công nhân tiếp cận các gói vay ưu đãi, trả chậm trong thời gian dài. Nhờ đó, các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân của Becamex IDC đều rất hút hàng. Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương thừa nhận, tỉnh chỉ mới đạt khoảng 65% kế hoạch đề ra.

Có nhiều lý do khiến nguồn cung nhà ở cho công nhân bị hạn chế như quỹ đất không sẵn sàng, vốn thiếu, cơ chế thủ tục khó khăn kéo dài, vướng luật nhưng theo ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lan Hưng, cái khó nhất là điều kiện mua. 1.400 căn nhà của Tập đoàn mới bán được 100 căn cho công nhân. Hay 2.000 căn ở Bắc Ninh của Viglacera cũng chỉ bán được nhỏ giọt.

Tuy nhiên, bà Vân của Savills tin rằng, tình hình sắp tới sẽ được cải thiện khi Nghị định 33 thông qua vào đầu năm 2023 đã đưa ra những cam kết quan trọng về nhà ở công nhân và nhà ở xã hội. Cùng lúc đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”. Các cơ chế tài chính khác như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất cho đất phát triển nhà ở công nhân... cũng được đề xuất, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở cho công nhân.

Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm các nước như Luxembourg, Singapore, Trung Quốc, Sri Lanka... thông qua các tổng công ty xây dựng lớn, có vốn nhà nước để xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Mỹ, Brazil, Chile, Nam Phi... thì có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có nhu cầu nhà ở. Còn Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển... thực thi chiến lược địa phương hóa và tư nhân hóa với quy mô đa dạng.

Nhìn về dài hạn, bà Vân của Savills cho rằng: “Với sự phát triển khu vực công nghiệp, dòng vốn FDI ổn định, lực lượng lao động sản xuất lớn kết hợp với các chính sách khuyến khích đầu tư, nhà ở công nhân có thể là phân khúc phát triển ngách hấp dẫn trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm:

Bất động sản giải phóng tồn kho