Sự bùng nổ của phân khúc nhà giá rẻ đã góp công lớn vào việc giúp thị trường có thanh khoản trở lại và phục hồi từ 2013 – 2014. Ảnh: Quý Hòa.
Nhà giá rẻ cần thêm nhiều động lực
Nhà ở xã hội “phá băng” bất động sản
Sau giai đoạn suy thoái 2010 - 2011, sự bùng nổ của phân khúc nhà giá rẻ đã góp công lớn vào việc giúp thị trường có thanh khoản trở lại và phục hồi từ 2013 – 2014.
Tuy vậy đối với giai đoạn hiện nay, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) không đánh giá cao tính khả thi của các dự án nhà ở thương mại giá rẻ do nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, chi phí quỹ đất tăng mạnh so với giai đoạn trước, đặc biệt trong khu vực nội thành. Theo đó, nguồn cung nhà ở giá rẻ được dự báo khó cải thiện trong thời gian ngắn vì chi phí phát triển quỹ đất đang tiếp đà tăng.
Thứ hai là khó khăn pháp lý khiến thời gian triển khai dự án mới kéo dài và làm tăng giá vốn.
Và cuối cùng, không ít các dự án nhà ở thương mại giá rẻ trước đây tồn tại những sai phạm trong quy hoạch, quy định về xây dựng và hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đi kèm để hạ giá thành.
Theo VCBS, nhà ở xã hội là giải pháp được lựa chọn để đáp ứng nhu cầu an cư và giúp phá băng thị trường. Chủ đầu tư tiết kiệm được các chi phí về tạo dựng quỹ đất. Người mua nhà và chủ đầu tư được tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp.
Tuy nhiên, đi kèm với các ưu đãi, việc phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, quy định pháp lý về đầu tư và quy định cho người mua nhà. Điều này gây suy giảm đáng kể hiệu quả của các gói hỗ trợ.
“Chúng tôi đánh giá sẽ cần thêm thời gian để chính phủ điều chỉnh chính sách, các quy định hỗ trợ để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội trong các năm tới”, VCBS nhận định.
Tiềm năng lớn của bất động sản nhà ở
Cũng theo góc nhìn của các chuyên gia VCBS, tiềm năng dài hạn của thị trường bất động sản nhà ở vẫn rất dồi dào nhờ nhiều trợ lực.
Đầu tiên là yếu tố nhân khẩu học. Cơ cấu dân số trẻ với mặt bằng thu nhập gia tăng qua các năm. Thế hệ sinh quanh năm 1990 (chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu dân số) hiện có áp lực lớn trong việc mua nhà mới để ổn định chỗ ở sau khi kết hôn, điều này khiến cho nhu cầu về bất động sản nhà ở vẫn ở mức cao. Cùng với đó là quá trình di cư ồ ạt và nguồn cung nhà ở thấp tại thành phố lớn trong những năm qua đã khiến một lượng không nhỏ người trẻ chưa sở hữu nhà ở.
Cơ cấu dân số trẻ với mặt bằng thu nhập gia tăng qua các năm thúc đẩy nhu cầu về bất động sản nhà ở. Nguồn: VCBS. |
Thứ hai, thị hiếu ưa chuộng bất động sản. Quan niệm an cư lạc nghiệp gần như đã “thấm vào máu” của đại đa số người dân, cùng với đó, với phần lớn người dân, bất động sản là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn do lịch sử tăng giá tốt và các kênh đầu tư mới (như trái phiếu, quỹ đầu tư) chưa tạo dựng được niềm tin.
Thứ ba là động lực từ việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Cụ thể, mức độ phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị tại Việt Nam vẫn rất thấp so với quy mô dân số và nền kinh tế, do đó còn nhiều dư địa để cải thiện. Từ năm 2023, việc giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều dự án lớn khởi công. Nhiều địa phương được cải thiện tích cực về hạ tầng, cảnh quan và tiện ích đô thị.
Theo VCBS, việc giải ngân đầu tư hạ tầng công dự báo tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2024, đặc biệt khi các dự án hạ tầng trọng điểm (sân bay Long Thành, các dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2) đã lần lượt hoàn tất công đoạn lựa chọn nhà thầu trong năm 2023 và bắt đầu đẩy mạnh thi công.
Có thể bạn quan tâm