Toàn thị trường chỉ có 4 dự án được mở bán với tổng 267 căn và tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 45%. (Ảnh: vneconomy.vn)

 
Nguyễn Sơn Thứ Hai | 22/08/2022 14:00

Nhà đầu tư mắc kẹt ở condotel

Thị trường condotel đang gắng gượng thoát khỏi “vũng lầy” nhưng đại dịch COVID-19 ập đến khiến cho phân khúc bất động sản này càng thêm khó khăn.

Thị trường condotel mới đây chao đảo khi một thương hiệu du lịch đầu ngành thông báo không chia lợi nhuận cam kết cho 6 tháng năm 2022 do thua lỗ trong kinh doanh. Tập đoàn này tích cực đẩy nhanh chuyển nhượng quyền quản lý một số khách sạn cho các tập đoàn quốc tế nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Với các chủ đầu tư condotel, việc hoàn thành trách nhiệm chi trả mức lợi nhuận cam kết 8-10% vào thời điểm này là bài toán bất khả khi.

Sự kiện kể trên là một cú đánh tâm lý không nhỏ đối với các nhà đầu tư condotel còn lại, dù thị trường đã lường trước được khó khăn từ đại dịch COVID-19. Hơn nữa, phần lớn nhà đầu tư condotel đang phải trả các khoản nợ ngân hàng hằng tháng.

“Vũng lầy” condotel

Thị trường condotel khá ảm đạm từ đầu năm đến nay. Báo cáo thị trường tháng 7/2022 của DKRA Vietnam ghi nhận nguồn cung condotel có tăng đáng kể với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức rất thấp và tập trung cục bộ tại miền Trung, khu vực chiếm đến 75% tổng nguồn cung.

 

Toàn thị trường chỉ có 4 dự án được mở bán với tổng 267 căn và tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 45%. Các thị trường đáng chú ý trong thời gian tới là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định. Dù vậy, thực trạng tiếp tục ế khách mua là điều được dự đoán trước.

Trước đại dịch, thị trường du lịch nhiều địa phương ven biển sốt nóng, thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư condotel tham gia với các đánh giá tích cực về triển vọng của ngành du lịch và cam kết lợi nhuận hấp dẫn của các chủ dự án.

Đến nay, nhiều dự án rơi vào tình trạng “đổ vỡ cam kết” khiến cho nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay và không kịp thoát hàng. Kém minh bạch thông tin tài chính và pháp lý sở hữu condotel mù mịt cũng ảnh hưởng đến mức độ phát triển của thị trường.

Việc đóng cửa biên giới nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong 2 năm qua khiến cho ngành du lịch khủng hoảng nghiêm trọng, kéo theo sự khủng hoảng cho phân khúc bất động sản này.

Lạm phát, chi phí chuyến bay tăng và sự chậm khôi phục của 2 thị trường khách Trung Quốc và Nga là hàng loạt yếu tố cản trở quá trình phục hồi nguồn cầu du lịch, theo đánh giá của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương.

“Bên cạnh vấn đề nguồn cầu, ngành du lịch Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức khác là dư thừa nguồn cung. Chúng tôi ước tính trong 3 năm tới, nguồn cung tại các điểm đến du lịch trọng điểm sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm”, ông Mauro Gasparotti nói.

Ảnh: Quý Hòa
Việc đóng cửa biên giới nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong 2 năm qua khiến cho ngành du lịch khủng hoảng nghiêm trọng. Ảnh: Quý Hòa

Để hút người mua các căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng, một số dự án vẫn áp dụng các chương trình kích thích nhưng chính sách cam kết mua/thuê lại có lãi suất. Điều này có thể tiếp tục tạo một vòng xoáy nguy hiểm mới nếu năng lực tài chính và khả năng vận hành cho thuê của chủ đầu tư hạn chế.

Kỳ vọng vào du lịch

Nhìn chung, từ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhập cảnh, chẳng hạn như khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh. Điều này phần nào hỗ trợ cho ngành du lịch.

 

Mùa hè năm nay, tại các địa điểm ven biển như Vũng Tàu - Hồ Tràm, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, nhiều khách sạn và resort ghi nhận tốc độ hồi phục ấn tượng. Một số resort thành công trong việc thu hút khách nội địa thậm chí kỳ vọng đạt mức công suất 50-70%. Tuy nhiên, theo Savills, để hoạt động du lịch có thể đạt được mức như năm 2019 thì vẫn phải chờ đến khi thị trường khách quốc tế hoàn toàn khôi phục.

Được biết trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, trước khi trình Chính phủ ban hành thời gian tới, dòng căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ dự kiến sắp được cấp sổ đỏ theo một mẫu thống nhất. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một trong những ách tắc lớn nhất về pháp lý, giúp người mua an tâm hơn và thúc đẩy thanh khoản thị trường.

Có thể thấy với quỹ đạo trở lại dần như trước đại dịch, dự kiến thị trường condotel sẽ ghi nhận nhiều kết quả tích cực hơn. Nhưng trước khi bầu trời trong xanh trở lại, nhà đầu tư condotel sẽ phải trải qua những cơn mưa dầm khó chịu với gánh nặng tài chính trên vai trong các năm tới.