Nhà đầu tư lớn đổ bộ vào Cần Thơ
Gần đây, nhiều “ông lớn” như Vingroup, Lotte, Mường Thanh, Metro Cash & Carry Việt Nam, Co.opmart… đã “đổ bộ” vào Cần Thơ càng làm cho đô thị trung tâm động lực của Đồng bằng sông Cửu Long này trở nên sôi động.
Nhiều dự án lớn đang triển khai
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, giai đoạn 2015-2016, Thành phố sẽ có hàng loạt dự án đầu tư lớn hoàn thành và đi vào hoạt động. Tiêu biểu là Dự án Tổ hợp Khách sạn 5 sao Mường Thanh Cần Thơ do Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh làm chủ đầu tư, với quy mô 23 tầng, vốn đầu tư 850 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong dịp lễ 30/4 năm nay.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới các dự án Vincom Center Cần Thơ 1 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2016; Trung tâm Thương mại Vin Tây (Maximark cũ) do Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Vin Tây làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2015. Được biết, Vingroup cũng đã xin chủ trương đầu tư khu phức hợp gồm sân gofl, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cồn Ấu.
Ngoài các doanh nghiệp trong nước, Cần Thơ cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến đầu tư dự án. Theo đó, Công ty TNHH Lotte Việt Nam đang triển khai xây dựng Dự án Trung tâm Thương mại Tổng hợp Lotte Cần Thơ tại số 84, đường Mậu Thân, với quy mô 1 tầng hầm và 3 tầng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí của người dân. Công trình này dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động cuối tháng 8/2015.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã thành lập chi nhánh tại TP. Cần Thơ chuyên lưu kho và phân phối các sản phẩm đồ uống không cồn và các sản phẩm khác do Coca-Cola Việt Nam sản xuất. Công ty TNHH Lottecinema Việt Nam cũng kinh doanh cơ sở chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế tại tầng 1 Trung tâm Thương mại Big C Cần Thơ....
Trước đó, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác cũng chọn Cần Thơ là “bến đỗ” lý tưởng như: Metro Cash & Carry Việt Nam, Co.opmart, Sense City, Vinatexmart, Big C...
Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, đến thời điểm hiện tại, hầu như tất cả doanh nghiệp thương mại quy mô lớn, các ngân hàng đều đã có mặt tại Cần Thơ. Hiện nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Cần Thơ chỉ đứng sau 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, địa phương luôn xem cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác thu hút đầu tư. Ngoài việc duy trì định kỳ mỗi tháng 2 lần tiếp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương còn quyết định thành lập Tổ Hỗ trợ doanh nghiệp, do Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp phụ trách nhằm giải quyết nhanh chóng những vướng mắc của doanh nghiệp.
Trước đó, UBND TP. Cần Thơ cũng đã ban hành Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND về việc hỗ trợ đầu tư thay thế cho Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định Hỗ trợ đầu tư trên địa bàn TP. Cần Thơ. Theo đó, dự án dầu tư thuộc diện ưu đãi sẽ được hỗ trợ 20% lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng đối với vốn vay trung hạn của dự án (kinh phí hỗ trợ cho 1 dự án tối đa không quá 3 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, các dự án này cũng được ưu đãi về đơn giá thuê đất với tỷ lệ để tính đơn giá cho thuê đất 1 năm bằng 1,5% giá đất tại quận Ninh Kiều và 1,3% giá đất tại quận Cái Răng theo mục đích sử dụng đất thuê của bảng giá các loại đất trên địa bàn do UBND Thành phố ban hành tính từ thời điểm bàn giao đất thuê cho nhà đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nút thắt lớn nhất cho sự phát triển của Cần Thơ là yếu kém về hạ tầng giao thông đang dần được tháo gỡ. Cụ thể, khi kênh Quan Chánh Bố đã thông tàu trọng tải lớn thì cả khu vực ven sông Hậu sẽ hình thành khu cảng - logistics năng động của vùng. Khi tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ thông xe, thì Cần Thơ chỉ còn cách TP.HCM 2 giờ ngồi xe. Một khi giao thông thông suốt, cơ sở hạ tầng được cải thiện thì Cần Thơ sẽ có rất nhiều điều kiện để phát triển.
Nguồn Báo Đầu Tư