Thứ Hai | 15/10/2012 11:41

Nguy cơ dư thừa phòng khách sạn

Dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào lĩnh vực khách sạn đang tạo ra nguồn cung phòng dồi dào, gây nên sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường khách sạn STR Global công bố tháng 7/2012, Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có số lượng phòng đang được xây dựng nhiều nhất, với 7.100 phòng.

Trong số này, có khoảng 4.500-5.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013.

Hiện các khu phức hợp nghỉ dưỡng được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư với quy mô lớn lên đến hàng tỷ USD với hàng nghìn phòng. Đơn cử như dự án Khu phức hợp Hồ Tràm Strip, khách sạn MGM Grand, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô...

Bên cạnh phòng khách sạn thông thường, các khu nghỉ dưỡng hiện còn có thêm hạng mục căn hộ, biệt thự để bán, sau đó người mua cho thuê lại. Ví dụ như khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Luxury Đà Nẵng. Đây cũng là xu hướng đầu tư của nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang xây dựng, làm cho nguồn cung cơ sở lưu trú thêm đa dạng.

Ngoài ra, trào lưu này còn có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước. Thay vì chỉ tham gia với tư cách góp vốn vào liên doanh bằng tiền sử dụng đất, thì hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã tự đứng ra làm chủ đầu tư những dự án khách sạn quy mô lớn như Bitexco, Vingroup.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách quốc tế trong những năm gần đây cùng với triển vọng sáng sủa của ngành du lịch Việt Nam được các tổ chức quốc tế công nhận là liều thuốc kích thích các nhà đầu tư rót vốn đầu tư khách sạn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo về nguy cơ dư cung phòng khách sạn do một lượng lớn khách sạn mới mở cửa vào giữa lúc tốc độ tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế có xu hướng chậm lại, cùng với triển vọng nền kinh tế Việt Nam và thế giới còn khó khăn trong những năm tới.

Ông Kai Marchus Schroter, Tổng giám đốc Công ty tư vấn quản lý khách sạn và du lịch HTM, nhận định, kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới. Một trong những khó khăn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở một số thành phố và địa điểm du lịch nhất định.

Ông Kai Marchus Schroter cho rằng, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng không có những điểm độc đáo về vị trí, thiết kế, thương hiệu và dịch vụ sẽ không có lợi thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện