Trong giai đoạn 2021-2030, nguồn cung đất khu công nghiệp đến từ việc chuyển đổi đất cao su. Ảnh: TT.

 
Nhật Anh Thứ Hai | 08/07/2024 16:14

Nguồn cung đất khu công nghiệp có thể đạt 15.000 hecta

Tỉ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 đã tăng lên 53% vào năm 2023, bởi giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường loại 2 thấp hơn.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,84 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Tính đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng nhờ Hiệp định FTA ký kết gần đây (RCEP, EVFTA, CPTPP…), năng suất lao động cải thiện, chi phí điện năng thấp và cơ sở hạ tầng được xây dựng. 

 

MBS cho rằng việc nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Mỹ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên thế giới. Mỗi năm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200-300 tỉ USD, nhưng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam trong các năm gần đây chỉ khoảng 1 tỉ USD/năm. 

Sau khi nâng tầm hợp tác với Mỹ lên đối tác chiến lược, MBS kỳ vọng dòng vốn FDI của Mỹ đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam được đẩy mạnh nhờ Việt Nam có trữ lượng lớn đất hiếm và vonfram cho phát triển công nghệ cao. Đây là hai nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như năng lượng, quân sự, vũ trụ, giao thông vận tải. 

Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (ước tính khoảng 22 triệu tấn) và trữ lượng vonfram lớn thứ 3 thế giới (ước tính khoảng 100 nghìn tấn).

Dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang thị trường loại 2 nhờ nguồn cung dồi dào, giá thuê thấp. Tại khu vực phía Bắc, dòng vốn FDI chuyển dịch từ thị trường loại 1 sang thị trường loại 2. Số liệu từ MBS, tỉ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 tăng từ 20% vào năm 2018 lên 53% vào năm 2023, bởi giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường loại 2 thấp hơn 20% so với thị trường loại 1 và tỉ lệ lấp đầy chỉ đạt 64% thấp hơn mức 76% của thị trường loại 1.

 

Tại khu vực phía Nam, tỉ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 có xu hướng tăng, đạt 43% trong 5 tháng đầu năm khi giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường loại 2 chỉ bằng một nửa so với thị trường loại 1.

“Trong giai đoạn 2024-2026, nguồn cung đất khu công nghiệp có thể đạt 15.000 hecta với 23 dự án khu công nghiệp mới (7 khu công nghiệp ở miền Bắc, 10 khu công nghiệp ở miền Nam và 6 khu công nghiệp ở miền Trung). Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng thị trường đất khu công nghiệp phát triển không đồng đều, tập trung lớn tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Dương và Đồng Nai”, MBS nhận định. 

Cũng theo tổ chức này, trong giai đoạn 2021-2030, nguồn cung đất khu công nghiệp đến từ việc chuyển đổi đất cao su. Bởi thị trường miền Nam đang thiếu hụt nguồn cung đất, tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại miền Nam ở mức cao, như Bình Dương đạt tỉ lệ 95% và Đồng Nai đạt tỉ lệ 86%. 

MBS cho rằng việc chuyển đổi đất cao su có nhiều lợi thế về diện tích đất thửa lớn, giải phóng mặt bằng nhanh và chi phí thấp. Nhưng còn tồn tại nhiều khó khăn để thu hút vốn đầu tư vào vùng này như vị trí địa lý không thuận lợi cách xa thành phố lớn, sân bay, cầu cảng; cơ sở hạ tầng không đồng bộ làm tăng chi phí vận tải và nhu cầu tiêu thụ cao su cao làm chậm quá trình chuyển đổi đất. 

Cùng với đó, Luật Đất Đai được thông qua giúp giảm thủ tục hành chính về bồi thường đất, nhưng chi phí bồi thường đất có thể tăng cao hơn so với trước đây. 

Có thể bạn quan tâm 

"Hộp ngủ" và bài toán khó ký túc xá cho sinh viên