Người Việt chi tỉ đô săn nhà ở nước ngoài
Mới đây, một nhà đầu tư trong nước đã chi 14 triệu USD trong một cuộc đấu giá để mua lại một trung tâm thương mại ở ngoại ô Marrickville (Sydney), đánh dấu bước thâm nhập ra nước ngoài lần đầu tiên của tập đoàn này. Hay trước đó không lâu, một doanh nghiệp khác cũng chi ra hơn 6 triệu USD để thâu tóm một dự án căn hộ tọa lạc hai mặt tiền tại đường Racecourse, khu Kensington thuộc thành phố Melbourne (Úc).
Các nhà đầu tư nội tích cực săn tìm các dự án tại đảo quốc Kangaroo trùng với thời điểm giá bất động sản tại đây đang chịu sức ép đi xuống sau các động thái tăng cường kiểm soát nhằm hạ nhiệt sức nóng của chính phủ. Vì vậy, theo một chuyên gia tư vấn, thời điểm này mua nhà tại Úc sẽ giúp tiết kiệm được lượng tiền đáng kể, thúc đẩy các nhà đầu tư mạnh dạn rót tiền.
Các quốc gia châu Âu là nơi mà khá nhiều các nhà đầu tư Việt quan tâm, đặc biệt là cá nhân tìm kiếm cơ hội sở hữu thẻ định cư dài hạn, cũng như giúp con cái của mình có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với các trường đại học danh giá trong Liên minh châu Âu, nhất là ở Pháp và Đức.
Theo anh Đức Tiến, chuyên gia tư vấn của Công ty Ironfish, nhu cầu đầu tư mua nhà của người Việt Nam tại Úc tương đối cao. “Nhiều gia đình có con du học tại Úc nên tìm cách mua nhà, tìm kiếm cơ hội cho con cái định cư. Một số người khác thì mua để đầu tư, có người lại mua theo dạng căn nhà thứ 2 để nghỉ dưỡng mỗi khi du lịch nước ngoài”, anh Tiến cho biết thêm. Cũng với những mục đích này, theo Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR), người Việt đã chi ra gần 3 tỉ USD để mua nhà ở Mỹ từ tháng 4.2016 đến tháng 3.2017. Con số này đưa Việt Nam lọt vào top 10 nước có người mua nhà nhiều nhất tại Mỹ.
Theo bà Phoebe Huynh, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Công ty Tư vấn Denzell, một trong số các quốc gia lọt vào tầm ngắm của người Việt hiện nay là Hy Lạp khi chính phủ quốc gia này có những chính sách ưu đãi đầu tư để nhận được thẻ định cư. Giá một căn nhà tại Hy Lạp, quốc gia đang phục hồi sau khủng hoảng, khá mềm khi chỉ từ 6,8 tỉ đồng (250.000 euro).
“Trong hơn 1 năm qua, chúng tôi thấy số lượng quan tâm và tham gia giao dịch của khách hàng người Việt đến Hy Lạp ngày càng gia tăng. Trong đó, người miền Bắc chiếm số lượng nhiều hơn so với trong Nam, có lẽ do khách hàng trong này khá kỹ tính”, bà Phoebe Huynh nhận xét.
Một điều kiện thuận lợi nữa, theo bà Phoebe Huynh, là Hy Lạp không bắt buộc người nước ngoài phải lưu trú một số ngày nhất định trong năm mới được cấp thẻ định cư, giúp người mua nhà thoải mái hơn về thời gian đi lại giữa Việt Nam và Hy Lạp. Để tăng tính hấp dẫn, một số dự án thương mại được chủ đầu tư cam kết với tỉ suất lợi nhuận 6%/năm và người mua lại thêm cơ hội sở hữu từ triển vọng tăng giá của bất động sản, theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác cũng để ý đến các tài sản của Hy Lạp, nhất là Trung Quốc. Năm 2016, Công ty Vận tải Cosco của Trung Quốc đã thâu tóm hải cảng Pireus với giá trị 311 triệu USD, kiểm soát một trong những cảng biển quan trọng nhất để tiến vào châu Âu. Mỗi năm, có hàng ngàn người Trung Quốc săn tìm các bất động sản có giá trị tại Hy Lạp để tìm kiếm cơ hội sinh sống và học tập tốt hơn cho con em của mình, cũng như tận hưởng được không khí trong lành sau thời gian dài “chịu trận” ở trong nước. Muốn mua được nhà, người Việt phải cạnh tranh với dân Trung Quốc là chủ yếu.
Thực ra, xu thế đổ tiền ra nước ngoài của Việt Nam đã tăng dần trong các năm qua, nhờ túi tiền dư dả hơn cũng như nhìn thấy cơ hội từ những chuyến du lịch ở hải ngoại. Theo báo cáo mới đây của một hãng tư vấn bất động sản, Singapore là địa điểm ưa thích nhất của nhiều người Việt, tiếp theo là Úc, Đức và Anh. Gần đây, Thái Lan cũng nổi lên là đích đến tiềm năng của dòng vốn Việt.
“Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản đang dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài. Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan là những thị trường được quan tâm nhiều nhất. Còn trong tương lai, các doanh nghiệp Việt có thể sẽ đi xa hơn tới Úc cũng như các quốc gia ASEAN khác. Nhiều thương hiệu trong số đó là rất chuyên nghiệp”, báo cáo nhận định.
Năm 2017, theo số liệu chính thức của cơ quan thống kê, tổng số tiền mà các doanh nghiệp Việt đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 360 triệu USD. Trong đó, mảng bất động sản chiếm tỉ trọng lớn nhất khi chiếm 19,4% với các thương vụ đầu tư đáng chú ý là việc Công ty IMG đầu tư 34,5 triệu USD để phát triển một dự án nhà ở và thương mại ở Úc, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành rót 15 triệu USD vào một dự án thương mại ở Mỹ hay Công ty Địa ốc Hoàng Quân đầu tư thêm 10 triệu USD cũng vào thị trường Mỹ.
Nhưng không chỉ có bất động sản, các lĩnh vực khác cũng chứng kiến sự mạnh nha dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, như dịch vụ tài chính và nông nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt tới 279,6 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,77 triệu USD; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 2 khi chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với quy mô 16,3%; còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.