Nhiều gia đình ở TP.HCM đang bị mất hoặc giảm thu nhập, nhưng vẫn phải gồng trả lãi ngân hàng. Ảnh: Qúy Hòa.
Người vay mua nhà mắc kẹt với ngân hàng
Trước COVID-19, người dân “hăng hái” vay tiền ngân hàng mua nhà với mức lãi suất không quá cao. Trong COVID-19, gánh nặng nợ đang đè lên vai, trong bức tranh “xám màu” về thu nhập tương lai.
Nặng gánh lãi vay mua nhà
Nhiều gia đình ở TP.HCM đang bị mất hoặc giảm thu nhập, nhưng vẫn phải gồng trả lãi ngân hàng. Như gia đình anh Đồng đang phải trả cả lãi và gốc khoảng 13 triệu đồng mỗi tháng. Đây là khoản vay 1 tỉ đồng kỳ hạn 20 năm để mua căn hộ trên đường Phạm Văn Đồng (thành phố Thủ Đức) cách đây 3 năm.
Thu nhập của 2 vợ chồng lâu nay vẫn đủ sức trả khoản tiền này, nhưng đó là trước COVID-19. Sau 2 năm bị tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội từ tháng 5 đến nay, khoản tiền trên đã trở thành gánh gặng vì thu nhập không còn. “Tiền tiết kiệm vẫn còn nhưng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến cuối năm, thậm chí sang năm, thật khó để nói điều gì”, anh Đồng lo lắng.
Áp lực vay tiền mua nhà đang đè nặng lên vai người vay tại TP.HCM, nơi quy mô tín dụng bất động sản thuộc loại lớn nhất cả nước. Mới đây, nhiều người vay phản ánh đã nhận được sự hỗ trợ giảm lãi suất của một vài ngân hàng, nhưng mức giảm theo đánh giá là không đáng kể.
Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, đặc biệt là làn sóng lần thứ 4 từ cuối tháng 4 đến nay, các hoạt động cho vay mua nhà vẫn rất sôi nổi, không chỉ nhờ nhu cầu nhà ở và đầu tư, mà một phần nhờ lãi suất cho vay mua nhà hiện được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp. Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá lãi suất mua nhà tại các ngân hàng nội địa ổn định ở mức 9,2-9,5% trong 6 tháng đầu năm nay, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Người vay mua nhà sốt ruột yêu cầu ngân hàng hỗ trợ cũng là chuyện dễ hiểu, khi chứng kiến các ngân hàng đua nhau báo lãi lớn. Thêm nữa, nhiều ngành đã có chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá điện, viễn thông, tiền trợ cấp xã hội... Một số chủ đầu tư cũng hỗ trợ giảm phí quản lý, nên cư dân vay tiền mua nhà càng nóng lòng chờ ngân hàng vào cuộc hỗ trợ.
Thế khó của ngân hàng
Theo quy định của Thông tư 03 ban hành năm 2021 về việc tái cơ cấu nợ xấu vì COVID-19, các ngân hàng vẫn có quyền chủ động trong việc cơ cấu nợ khách hàng cá nhân trong lĩnh vực chịu thiệt hại vì dịch bệnh. Tuy nhiên, phần đông các ngân hàng sẽ có lựa chọn giải cứu riêng tùy theo mức độ ưu tiên của mình. Một điều nữa là do hạn chế về nguồn lực, ngân hàng có xu hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn là khách hàng cá nhân.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, việc hỗ trợ các doanh nghiệp sẽ mang lại ý nghĩa lớn hơn các khoản vay cá nhân trong thời điểm hiện nay, vì sẽ giúp hoạt động kinh tế sớm phục hồi trở lại, duy trì việc làm và từ đó thu nhập của người dân mới có thể giữ vững.
Các ngân hàng thì chia sẻ quan điểm “không cào bằng” trong việc hỗ trợ khách hàng, mà sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng, trường hợp cụ thể. Thậm chí, có lãnh đạo đánh giá rằng không nên giảm lãi suất các khoản vay mua nhà, mua xe trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản vẫn báo lãi lớn. Đối tượng cần ưu tiên là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn.
Một lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết ngân hàng hiện tập trung vào các ngành nghề ưu tiên thay vì lĩnh vực bất động sản. Lý do một phần cũng vì hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm bị hạn chế, phần khác là bất động sản liên tục bị “tuýt còi” vì rủi ro của nó.
Tại cuộc điều tra xu hướng tín dụng quý III/2021 do Vụ Dự báo Thống kê công bố mới đây, đa phần ngân hàng dự kiến tiếp tục thắt chặt dòng vốn đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong khi sẽ “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết nhóm khách hàng trước ảnh hưởng của đại dịch. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần cảnh báo các ngân hàng thương mại về tăng trưởng tín dụng trong những lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là bất động sản.
Một cái khó khác của ngân hàng là làm sao để phân biệt được người đi vay mua nhà thực sự khó khăn và những người có nhiều tài sản đầu tư? Tùy thuộc vào từng đối tượng mà việc tháo gỡ có thể khác nhau, như người có nhiều nhà đất vẫn còn chịu đựng được vì có thể bán đi một tài sản bất động sản để cơ cấu lại dòng tiền.
Nhưng nhiều người chỉ có tài sản lớn duy nhất là ngôi nhà của mình. Thêm nữa, rủi ro nợ xấu vì vay mua nhà không phải là nhỏ, mà hiện hữu khá rõ vào cuối năm nay, ông Hiển đánh giá.
Giải pháp gợi ý phù hợp trong giai đoạn này là ngân hàng có thể giãn trả nợ từ 3-6 tháng để người mua không chịu áp lực trả nợ. Sau khi kết thúc giãn cách, hoạt động kinh tế trở lại thì tiếp tục thảo luận phương án cùng tháo gỡ khó khăn.
Ở góc độ ngân hàng, rủi ro tài chính ngày càng lớn dần. Ảnh: Qúy Hòa. |
Báo cáo về kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 của World Bank lưu ý cần phải tập trung xử lý hệ quả xã hội của khủng hoảng, khi COVID-19 đã khiến cho thu nhập hộ gia đình bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, giữa các ngành nghề, giới tính và địa bàn.
“Tác động khác biệt như vậy có thể dẫn đến sự gia tăng kéo dài của tình trạng bất bình đẳng. Thu nhập hộ gia đình bị giảm sẽ ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng và đầu tư, qua đó tác động đến quá trình phục hồi kinh tế. Thu nhập thấp cũng có thể tác động đến các khoản đầu tư cho sức khỏe và giáo dục của trẻ em, gây ảnh hưởng lâu dài đến tích lũy vốn con người của đất nước”, báo cáo World Bank đánh giá.
Ở góc độ ngân hàng, rủi ro tài chính ngày càng lớn dần. Tỉ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 còn 11,13% vào tháng 12/2020 và về mức 11,1% cuối tháng 6/2021. “Những số liệu chung có thể che lấp nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỉ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II”, World Bank đánh giá.