Người mua nhà ở xã hội có thể được vay tới 70% giá trị hợp đồng
Đầu tháng 3/2015, Bộ Xây dựng đã đưa Dự thảo Nghị định phát triển quản lý nhà ở xã hội (NƠXH) lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Chính phủ ban hành. Trong đó có nhiều quy định mở rộng thêm quyền lợi cho người mua nhà ở xã hội.
Theo Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2014 đã có 9 dự án nhà ở xã hội được thành phố chấp thuận đầu tư, sẽ cung cấp thêm cho thị trường hơn 6.000 căn hộ. Cùng với đó, 19 dự án khác được thành phố cho phép chuyển đổi từ nhà thương mại sang NƠXH. Đến nay có rất nhiều dự án đã hoàn thành, nhiều dự án đang rầm rộ triển khai, có dự án các căn hộ đã được bán hết.
Tuy nhiên nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nhiều đối tượng mua nhà không phải thật sự khó khăn. Bởi với số tiền vay mua nhà trung bình khoảng 400 triệu/khách hàng, mỗi tháng trả lãi và gốc lên đến khoảng 6 triệu đồng/tháng. Một gia đình khó khăn không thể để dành ra một số tiền lớn như vậy cho nhu cầu nhà ở.
Với hy vọng giải quyết được những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách về nhà ở xã hội những năm qua, Dự thảo Nghị định này đã cố gắng đề cập đến tất cả những vấn đề xung quanh việc phát triển nhà ở xã hội, từ quy hoạch, xây dựng, mua bán đến các ưu đãi từ chính sách đến vốn vay xây dựng, vốn vay thuê mua, chất lượng công trình, quản lý công trình trong xây dựng và trong thời hạn sử dụng.
Theo Dự thảo Nghị định, tại các đô thị (từ loại đặc biệt cho đến loại 3) trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu công nghệ cao, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội và chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để giao cho các chủ đầu tư.
Dự thảo còn quy định, các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị cũng phải dành quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cụ thể, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội. Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%. Mức vốn vay khi mua, thuê mua nhà ở xã hội được quy định trong Dự thảo lên đến 70% giá trị hợp đồng mua - bán hoặc hợp đồng cho thuê mua nhà ở xã hội.
Theo đánh giá của luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Luật Vinh Đức, Dự thảo Nghị định trên được đánh giá là có nhiều quy định tiến bộ vượt bậc, giúp người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà. Tuy nhiên, nếu không làm tốt sẽ dễ dẫn đến gian lận, bởi trong các tiêu chí được mua nhà thì ưu tiên số một là người chưa có nhà hoặc nhà diện tích bình quân dưới 10 mét vuông/người được quyền mua.
Với dự thảo Nghị định mới này thì thủ tục dự án NƠXH không đơn giản hơn trước, thậm chí ở một số dự án, ngoài chính quyền địa phương còn thấy thêm các thủ tục ở cấp Trung ương. Đối với lợi nhuận của doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án NƠXH, Nghị định cho phép các DN được tính lợi nhuận từ 10-15% tổng chi phí dự án. Nhưng với những chính sách không thay đổi, làm sao để có lợi nhuận cao khi giá bán bị khống chế, người mua ít?
Ông Nguyễn Tuấn Long, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội, cho rằng 3 đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình cá nhân có đầu tư bỏ vốn xây dựng nhà ở xã hội đều được vay vốn. Với mức vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán được duyệt và không quá 70% giá trị tài sản đảm bảo tiền vay. Chủ đầu tư phải có số vốn tối thiểu 30% để làm dự án thì mới được vay. Khi chủ đầu tư đã bỏ 30% vốn thì đương nhiên họ không thể bỏ bê dự án, bởi nếu bỏ thì họ mất không số vốn này.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý NƠXH đang ở giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của dư luận. Các nhà chuyên môn kỳ vọng Dự thảo sẽ được sửa chữa, bổ sung để có thể giải quyết được những vướng mắc, tạo thêm hy vọng cho người có thu nhập thấp có nhà ở ổn định.
Nguồn Báo xây dựng