Thứ Ba | 05/05/2015 11:19

Người Malaysia “kém duyên” với bất động sản Việt ?

Các nhà đầu tư lớn của Malaysia vào Việt Nam khá sớm, nhưng vì sao các dự án của họ lại ì ạch và ít để lại dấu ấn?

Đầu tư sớm và có quy mô lớn, nhưng nhiều dự án bất động sản do doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Việt Nam đến nay vẫn chưa để lại dấu ấn thực sự rõ nét. Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam tại TP.HCM là một ví dụ.

Được cấp phép đầu tư vào tháng 2.2008 và chính thức khởi công khoảng năm 2010, nhưng 5 năm đã trôi qua mà dự án này vẫn chỉ là một khu đất trống, được tận dụng làm dịch vụ trông giữ xe máy, rửa xe ôtô, sân tennis và nhà hàng. Hình ảnh trên hoàn toàn toàn trái ngược với kế hoạch hoành tráng mà chủ đầu tư dự án là Berjaya Land Berhad (thuộc Tập đoàn Berjaya, Malaysia) công bố mấy năm về trước.

Cụ thể, dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam có tổng vốn đầu tư 930 triệu USD và được lên kế hoạch hoàn tất theo từng giai đoạn từ năm 2010 đến 2013. Khi hoàn thiện, dự án sẽ tạo nên một trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế gồm 3 cao ốc văn phòng làm việc 48 tầng hạng A, một tòa nhà 48 tầng làm khách sạn quốc tế 5 sao, một tòa nhà 48 tầng khác kinh doanh dịch vụ hạng sang và mua sắm cao cấp.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, Berjaya là một trong những doanh nghiệp được cấp phép đầu tư nhiều dự án với tổng vốn lên đến 7,1 tỉ USD. Trong đó có nhiều dự án quy mô rất lớn, như dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam tại TP.HCM với vốn đầu tư khoảng 3,5 tỉ USD hay dự án Trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch tại Đồng Nai có vốn 2 tỉ USD. Tuy nhiên, đến lúc này, ngoài một phần của dự án Hà Nội Garden City và dự án Biên Hòa City Square đã đi vào hoạt động thì các dự án còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Berjaya không phải là trường hợp đơn lẻ. Quan sát trên thị trường, phần lớn các nhà đầu tư bất động sản đến từ Malaysia dường như đều gặp khó khăn tại thị trường Việt Nam, nhất là khi so với các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc hay Singapore.

Tháng 7.2014, Gamuda Land Vietnam (công ty con của Gamuada Berhad) đã ra thông báo dừng xây dựng khu B Công viên Yên Sở (Hà Nội) với lý do là chi phí giải phóng mặt bằng tăng đột biến, không thể tiếp tục ứng trước để thực hiện việc đầu tư dự án này. Dự án công viên Yên Sở được cấp phép ngày 31.12.2007 với tổng vốn đầu tư 1,16 tỉ USD.

Ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, hồi cuối năm 2012, một công ty con của Tập đoàn Genting là Genting Berhad Malaysia cũng đã rút khỏi siêu dự án 4 tỉ USD Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại Quảng Nam. Đây là dự án gồm nhiều hạng mục khách sạn, resort, biệt thự, đặc biệt là có hạng mục khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài.

Không chỉ là các dự án nằm trên giấy, những dự án được đầu tư bởi các ông chủ người Mã đã và đang hoàn thiện cũng kinh doanh khá chật vật tại Việt Nam.

Dự án EcoLakes và EcoXuan do Tập đoàn S P Setia đầu tư là ví dụ điển hình. Năm 2007, S P Setia đánh dấu bước tiến vào thị trường Việt Nam bằng dự án EcoLakes Mỹ Phước có vốn đầu tư hơn 600 triệu USD. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, dự án đang lâm vào cảnh đìu hiu, hoang vắng với hàng loạt căn nhà bị bỏ hoang.

Dự án EcoLakes của Malaysia tại Bình Dương vẫn đìu hiu, dù được đầu tư bài bản
Dự án EcoLakes của Malaysia tại Bình Dương vẫn đìu hiu, dù được đầu tư bài bản

Năm 2010, S P Setia tiếp tục cho ra đời dự EcoXuan với tổng số vốn đầu tư khoảng 3.723 tỉ đồng. Dự án cách TP.HCM 16 km về hướng Bắc, bao gồm khu dân cư, căn hộ cao cấp, giải trí, cửa hàng thương mại, dịch vụ... Cũng tương tự như EcoLakes, theo tìm hiểu của NCDT, tình hình kinh doanh của dự án EcoXuan cũng không khá hơn khi phần lớn các căn nhà phố và biệt thự đều chưa bán được.

Một trong những dự án của Malaysia để lại dấu ấn rõ nét trên thị trường bất động sản Việt Nam có thể kể đến dự án Celadon City (Tân Phú, TP.HCM) do Gamuda Land đầu tư. Dự án này có  diện tích 82 ha với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỉ USD. Năm ngoái, Trung tâm Thương mại AEON Mall Tân Phú của tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật) đi vào hoạt động đã tạo nên một dấu mốc lớn cho khu đô thị này. Còn ở lĩnh vực nhà ở, Celadon City cũng chưa tạo được cú hích đáng kể khi chỉ mới đưa vào hoạt động một khu căn hộ.

Các nhà đầu tư Malaysia tiến vào Việt Nam cũng khá sớm và cũng là những tên tuổi lớn của ngành bất động sản không chỉ ở Malaysia mà cả quốc tế, nhưng vì sao các dự án của họ lại ì ạch và ít để lại dấu ấn như vậy?

“Khủng hoảng kéo dài của thị trường bất động sản đã vượt ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp”, đại diện Berjaya chia sẻ với giới truyền thông về nguyên nhân các dự án bị đình trệ. Lý do này hoàn toàn chính đáng, nhưng cũng phần nào cho thấy khả năng thật sự của các chủ đầu tư. Bởi lẽ, tại một sự kiện từ 5 năm trước, ông Dato Francis Ng Sooi Lin, Tổng Giám đốc Berjaya Land Berhad lúc đó, từng nói rằng Công ty sẽ phát triển dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam bằng chính nguồn vốn của Berjaya.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tài chính hay kinh nghiệm. Bởi như S P Setia, dù thị trường khó khăn nhưng với tiềm lực tài chính mạnh, họ vẫn triển khai tốt các dự án của mình. Kinh nghiệm thì họ cũng không thiếu. Tại Malaysia, tập đoàn này hiện có hơn 100.000 khách hàng tại với các siêu dự án như Setia Alam hơn 1.000 ha hay Setia EcoPark 320 ha.

Ở nhiều thị trường khắt khe trên thế giới như Melbourne (Úc), Singapore, Indonesia, Trung Quốc hay Anh, S P Setia cũng được đánh giá cao thông qua các dự án sinh thái và nhà cao tầng. Vì sao họ vẫn không thành công ở Việt Nam?

“Người Malaysia mạnh về đầu tư các khu đô thị. Và đầu tư khu đô thị thì phải có quỹ đất lớn. Điều này buộc họ phải đầu tư ở khu vực vùng ven. Việc đầu tư khu đô thị cũng đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn vốn lớn. Trong khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam bất ổn khiến họ mất kiên nhẫn”, Giám đốc Ðầu tư một công ty tư vấn bất động sản nước ngoài tại Việt Nam (không muốn nêu tên) nhận xét.

Theo vị này, cũng chính vì yếu tố đầu tư bài bản theo kiểu một khu đô thị nên EcoLakes hay EcoXuan mới không thành công. Bởi đầu tư bài bản nên giá bán sản phẩm rất cao. Giá cao trong khi dự án lại ở vùng ven nên rất khó bán được hàng.

“Sản phẩm của họ chỉ sống trong giai đoạn thị trường nóng và chủ yếu để đầu tư. Thời buổi này đầu tư vùng ven cũng khá tốt nhưng chỉ dành cho những sản phẩm vài trăm triệu đồng một nền đất”, vị này phân tích thêm, cho rằng các dự án vùng ven sẽ khó khả thi trong ngắn hạn.

Hiện EcoLakes đang có giá bán từ 1,4 tỉ đồng cho một căn nhà phố và 3,4 tỉ đồng cho một căn biệt thự hơn 200 m2 có vườn, tầng lầu... Rõ ràng, EcoLakes có thể được quy hoạch bài bản giống Phú Mỹ Hưng, nhưng liệu mấy ai sẽ chấp nhận bỏ ra chừng đó tiền và phải chạy 40 km, nếu làm việc ở TP.HCM, về tận Bến Cát ở Bình Dương để có không gian sống lý tưởng?

Nguồn NCDT