Ngày 8/2, thông xe toàn tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây
Chiều 14/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã đi kiểm tra tiến độ thi công tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), đến ngày 8/2 tới, toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây sẽ được thông xe.
VEC cho biết, tất cả các đơn vị thi công đang khẩn trương thực hiện các công đoạn cuối cùng của dự án và đến thời điểm hiện nay đã thực hiện được trên 85% công việc.
Do đang vào thời điểm để hoàn thành công trình đúng thời hạn nên mỗi ngày trên công trường có hơn 1.000 công nhân, chia thành 3 ca làm việc liên tục.
Qua kiểm tra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đề nghị hai huyện Long Thành và Thống Nhất tập trung tối đa hỗ trợ đơn vị thi công khâu giải phóng mặt bằng một số điểm còn lại để đảm bảo tiến độ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ đúng luật giao thông khi đưa đường cao tốc vào vận hành, tránh tai nạn giao thông xảy ra.
Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km, được chia làm hai dự án thành phần: Dự án thành phần I (Đoạn An Phú-Vành đai 2) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, quy mô giai đoạn I gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m; mặt đường rộng 2x7,5m và 2 làn dừng khẩn cấp 2x3m.
Dự án thành phần II (Đoạn Vành đai 2-Long Thành-Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/giờ; Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe.
Tổng vốn đầu tư tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là trên 20.630 tỷ đồng, gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước. Dự án là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nguồn Vietnam+