Năm 2020, Hà Nội tăng diện tích nhà ở bình quân lên 26,3 m2/người
Theo đó, trên quan điểm quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu đô thị, nhà ở của TP Hà Nội phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội.
Các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp được cải tạo, xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị. Thành phố dành tỷ lệ đất ở hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu nhà ở trong từng giai đoạn và phát triển ổn định thị trường bất động sản.
Việc phục hồi, cải tạo nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 phải đảm bảo được việc bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc theo quy định của pháp luật.
Theo mục tiêu của Chương trình, đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 23,1 m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 6,5 m2/người), trong đó khu vực đô thị 26,6 m2/người, khu vực nông thôn 20 m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên thành 89,7% (năm 2011 tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố là 88,6%); giảm tỷ lệ nhà ở đơn sơ xuống còn 0,05%.
Thủ tướng quyết định tạm dừng phát triển nhà ở thương mại trong khu vực nội đô lịch sử đối với với các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư dự án. Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 80% và tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đạt 20%. Tăng thêm 2.318,1 ha quỹ đất ở đô thị và nông thôn.
Thành phố Hà Nội và Trung ương sẽ dành khoảng 6.744,6 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách để đầu tư nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên, nhà ở tái định cư; hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.
Chương trình cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 26,3 m2/người, trong đó khu vực đô thị 29,1 m2/người, khu vực nông thôn 22,1 m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên 91,2%; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà ở đơn sơ.
Mục tiêu trong giai đoạn này là tiếp tục phát triển nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật; tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%; tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội đạt 30%. Nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư sẽ được thành phố đầu tư từ ngân sách thành phố khoảng 6.968,2 tỷ đồng.
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt mục tiêu 31,5 m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên thành 93,2%. Vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 9.505,8 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, TP Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, thỏa mãn nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Thành phố đề xuất những cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xanh sạch, hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Nguồn VOV