Báo Giao Thông
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ “siết chặt” dự án BT
Ngân sách có nguy cơ thất thoát từ việc tiến hành ồ ạt các dự án BT, Phó Tổng kiểm toán, ông Cao Tấn Khổng, nhận xét tại Hội thảo "Cơ chế đầu tư BT - những vấn đề đặt và giải pháp hoàn thiện", ngày 19.10.
Từ những năm đầu của thập kỷ 90, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức Hợp đồng xây dựng và chuyển giao (BT), một hình thức của đầu tư đối tác công tư (PPP).
Nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia cũng như ở các địa phương tăng mạnh, cùng với đó là áp lực giảm bội chi ngân sách và nợ công khiến cho việc thu hút đầu tư theo hình thức BT tăng mạnh hơn.
Chưa có con số thống kê chính thức về số dự án BT trên cả nước. Nhưng một báo cáo của UBND TP Hà Nội về các dự án BT hồi tháng 6.2017 đã cho thấy, chỉ với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 4.2015 tới tháng 3.2016, UBND thành phố đã phê duyệt 17 dự án PPP, trong đó có tới 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất.
Vào thời điểm tháng 6.2016, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất, với tổng vốn đầu tư tới 9,926 nghìn tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh cũng đã trình Thủ tướng chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 do Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng 620 và Công ty phát triển xây dựng và đầu tư 168 đề xuất với tổng vốn đầu tư 5,254 nghìn tỷ đồng.
Hợp đồng BOT, hình thức Hợp đồng BT đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Tại Hà Nội, đã có những dự án BT có biểu hiện nhiều sai phạm. Chẳng hạn, Dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41 Km đường, mặt cắt đường 40 m, 4 làn xe, từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín). Theo đó, Nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư các khu đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng.
Thế nhưng, sau 9 năm thực hiện, dự án mới chỉ xây dựng được 12 Km đường. Đất dành cho phát triển khu đô thị mới Thanh Hà, Mỹ Hưng đã được giao cho chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư đã bán đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác.
Sở dĩ dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn so với dự án BOT là do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán cho dự án BT và cũng ít thông tin hơn về các dự án này.
Hơn nữa, các dự án BOT và dự án BT cùng được điều chỉnh bởi cùng một khung pháp lý chung, đó là các nghị định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP.
Tính đến thời điểm này, Nhà nước mới chỉ kiểm toán chi phí đầu tư, chưa kiểm toán thanh toán và giá trị sử dụng đất. Ông Khổng cho đây là “thiếu sót rất lớn” và để khắc phục tình trạng này, từ năm 2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường kiểm toán các dự án PPP, đặc biệt là các dự án BT.
Đẩy mạnh công tác kiểm toán là cần, nhưng đủ để công khai và minh bạch, khi triển khai các dự án BT, BOT. Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho rằng, Nhà nước cần thực hiện phương thức đấu thầu dự án, kết hợp đấu giá các lô đất vừa đủ để thực hiện dự án.
Ông Thanh cũng nói, cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Trong kinh tế thị trường, giá của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quyết định không chỉ bởi cơ chế giá cả mà phải xét đến tác động của quan hệ cung - cầu và quan hệ cạnh tranh.
Hiện nay, giá dự toán của công trình BT, BOT chủ yếu do tư vấn thiết kế tính toán và giá đất do các chuyên gia về giá đề xuất chủ yếu dựa trên cơ chế giá cả. Đây là biểu hiện của sự kém minh bạch trong các hợp đồng BT, BOT.
Điều này, ông Thanh nói, rất dễ bị các nhóm lợi ích lợi dụng và chi phối không chỉ về giá cả mà có thể cả về đất, cả về hạ tầng bên ngoài kết nối với dự án và sự phát triển bất động sản của các nhà đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).