“Năm 2015 bất động sản vẫn còn khó”
“Mặc dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục nhưng về cơ bản vẫn tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015”.
Nhận định trên được Hiệp hội Bất động sản Tp HCM (HoREA) đưa ra tại một cuộc hội thảo về triển vọng thị trường được tổ chức cuối tuần qua.
Theo HoREA, trong 9 tháng 2014, thị trường bất động sản Tp HCM đã có dấu hiệu hồi phục với số lượng giao dịch tăng, phân khúc thị trường căn hộ có quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, trong phân khúc cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường đón nhận, dù không bằng thời kỳ trước.
Đáng chú ý, Tp HCM hiện vẫn còn hơn 8.600 căn hộ tồn kho. Trong đó, có hơn 1.100 căn hộ ở các dự án đã hoàn thành hoặc đang hoàn thiện; hơn 750 căn hộ còn lại chủ yếu là có diện tích lớn trên 70 m2, dự án ở vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án chậm tiến độ.
Trong khi đó, vấn đề vốn, lãi suất là yếu tố quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn chưa cải thiện được là bao. Hầu hết các doanh nghiệp, chủ đầu tư vẫn phải vay với lãi suất ở mức 13%/năm và thị trường dường như vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào ngoài gói 30.000 tỷ đồng.
Trong khi đó gói 30.000 tỷ đồng giải ngân đến thời điểm này cũng mới chỉ đạt khoảng 10% và hiện tại Tp HCM mới chỉ có 2 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng từ gói hỗ trợ này.
Theo HoREA, bên cạnh khó khăn về lãi suất, thủ tục hành chính vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp cho dù đã có nhiều cải thiện hơn trước. Tình trạng bị “ngâm” hồ sơ vẫn tiếp diễn vì trên thực tế đã có một số thủ tục được giảm đi nhưng lại có thêm nhiều thủ tục phát sinh làm khó doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Nói về thực tế này, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức Lê Chí Hiếu, cho rằng, mặc dù Quốc hội đang tập trung sửa đổi nhiều luật, tuy nhiên, tư duy pháp luật còn chưa thông thoáng, không liên thông giữa các bộ, ngành và các luật với nhau.
“Hiện nay cái khó nhất của doanh nghiệp bất động sản vẫn là thể chế, dường như quy định của nhà nước ngày càng phức tạp và khó khăn. Còn có rất nhiều quy định đang làm khó doanh nghiệp như các quy định về ký quỹ, bảo lãnh...", ông Hiếu nói.
Để thị trường thể hồi phục và ổn định, HoREA kiến nghị tăng thời hạn cho người tiêu dùng vay lên đến 20 năm; ân hạn 3 năm đầu cho người tiêu dùng chưa phải lãi vay và nợ gốc; Ngân hàng Nhà nước thống nhất hướng dẫn các ngân hàng thương mại sau khi đã nhận được tài sản thế chấp là căn hộ hình thành trong tương lai, để đảm bảo cho khoản vay mua căn hộ này thì không đòi hỏi thêm thủ tục nào khác.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp đang đầu tư dở dang các dự án nhà ở thương mại quy mô dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi này để hoàn thiện nhà, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.
Tổ chức này cũng mong muốn Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép chủ đầu tư thứ cấp các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại dưới 1,5 tỷ đồng/căn khi bán nhà cho khách hàng cũng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Theo VnEconomy