Năm 2012 tái cấu trúc thị trường bất động sản Hà Nội
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện; thị trường phát triển quá nhanh trong khi nhiều quy định, chính sách được ban hành dường như chỉ mang tính “chữa cháy”; công tác cải cách trong việc quản lý đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
Để thị trường bất động sản Hà Nội phát triển lành mạnh, ông Hiền cho rằng, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là có chính sách về nguồn lực tài chính một cách phù hợp. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tăng tỷ trọng cho vay là điều hết sức khó thực hiện cho các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, ông Hiền kiến nghị, cần xây dựng tiêu chí cho vay để hướng các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các dự án có tính thanh khoản cao, đảm bảo thu hồi nợ, cân đối nguồn vốn, đáp ứng cho cả cung và cầu, hạn chế cho vay đầu cơ.
Với các dự án nhà ở xã hội, ông Hiền kiến nghị miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp thực hiện. Còn ở góc độ địa phương, ông Hiền kiến nghị thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà.
Ngoài ra, ông Hiền cũng khẳng định, cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư với diện tích đa dạng, nâng tỷ lệ nhà chung cư lớn hơn 60%; hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, căn hộ chung cư có diện tích từ 120 m2 trở lên) trong các dự án nhà ở thương mại xây dựng mới; kiểm tra, giám sát các dự án đang thực hiện để đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, nhằm giải quyết triệt để tình trạng “khu đô thị ma” và biệt thự bỏ hoang, ông Hiền kiến nghị dừng triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở; kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở, xử lý tình trạng đầu cơ nhà, đất.
Nguồn Tin nhanh Chứng khoán