Thứ Hai | 09/06/2014 12:18

Một doanh nghiệp Việt muốn chi gần 10 tỷ USD đầu tư dự án giao thông

Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) đang nghiên cứu đầu tư vào 14 dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM trong thời gian tới.
Trái ngược với quyết định thận trọng trong việc bơm vốn đầu tư hạ tầng giao thông của các nhà đầu tư ngoại, một đại gia Việt vẫn “ngược dòng” với bản kế hoạch hàng tỷ đô la cho các dự án giao thông.

Gần đây, việc một công ty Việt Nam công bố sẽ đầu tư vào 14 dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM đã gây nhiều sự chú ý của dư luận.

Bản “Đại kế hoạch” của công ty này sẽ khiến không ít người ngỡ ngàng về cả số lượng lẫn tổng vốn đầu tư sẽ đổ vào các dự án.

Theo đó, có tới 14 dự án giao thông trọng điểm sẽ được đầu tư với tổng số vốn lên tới hơn 200 nghìn tỷ đồng (tương đương với gần 10 tỷ USD).

Điểm đáng chú ý ở đây là, trong khi các nhà đầu tư ngoại vẫn tỏ ra hết sức “thận trọng” với quyết định bơm vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông Việt Nam, chân dung vị đại gia sẽ bỏ ra tới gần 10 tỷ USD để đầu tư dự án là một thông tin mang tới nhiều tín hiệu vui.

Tại buổi ký kết hợp tác toàn diện giữa Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ngày 2/6 vừa qua, bản kế hoạch “khủng” này đã được công bố trước báo giới.

Cụ thể, PMC đang nghiên cứu đầu tư vào 14 dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM trong thời gian tới, bao gồm:

Các dự án đường nối vành đai phía Đông (Q.9 - Q.Thủ Đức), tổng mức đầu tư lên tới 3.581 tỷ đồng;

Dự án đường vành đai 2 phía Nam thành phố (đi qua các địa bàn Q.8, Bình Tân, huyện Bình Chánh), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án tiếp giáp với dự án cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông (Q.9), điểm cuối tiếp giáp với Xa lộ Hà Nội, băng qua 110m theo hướng Biên Hòa.
Cầu băng qua kênh trên dự án được thiết kế vĩnh cửu, bằng bê tông cốt thép, chiều dài 171,3m; đường kính cọc khoan nhồi 1,2m với tải trọng tính toán là HL-93.

Tại nút giao Xa lộ Hà Nội sẽ bao gồm cả cầu vượt và các đường nhánh sử dụng cấu trúc dầm hộp bê tông cốt thép được thiết kế vĩnh cửu, chiều dài hộp 50m, đường kính cọc khoan nhồi 1,2m với tải trọng tính toán là HL-93.

Bên cạnh đó, PMC cũng đang nghiên cứu đầu tư 5 dự án xây dựng đường trên cao, dự kiến sẽ đi qua nhiều quận, huyện trên địa bàn, với tổng vốn đầu tư khoảng 168.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư cầu Rạch Chiếc (Q.9), nằm trên đường vành đai 2 TP.HCM, đoạn tuyến phía Đông, với tổng mức đầu tư 815 tỷ đồng.

Ngoài ra dự án còn có đường gom dọc hai bên phần cầu dẫn trên bờ và các đường dốc đầu cầu có chiều dài tổng cộng 993.89m nhằm giúp xe cộ lưu thông lên cầu.

Trong tương lai, khi tuyến đường được xây dựng có tác dụng phân luồng giao thông ra vào thành phố về phía Đông Bắc, giảm áp lực lưu lượng xe và các phương tiện vận tải ra vào thành phố phía tỉnh Đồng Nai, Bình Dương hiện tập trung chủ yếu vào đường Xa Lộ Đại Hàn, Hà Nội và do đó làm giảm tình trạng ách tắc giao thông của các đường trong thành phố vào các giờ cao điểm.

Đại diện PMC cho biết, các dự án trên sẽ được đầu tư với nhiều hình thức như BT (đầu tư, chuyển giao), PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân) và BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao)...

Theo thông tin từ ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc PMC, tổng mức đầu tư toàn bộ 14 dự án nêu trên vào khoảng 200.100 tỷ đồng.

Một thông tin quan trọng nữa liên quan đến bản kế hoạch khủng này là sự xuất hiện của Ngân hàng SHB.

Theo đó, tại buổi ký kết hợp tác, SHB sẽ tài trợ vốn cho PMC đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại TP.HCM.

Theo công bố từ đại diện SHB, dự kiến trong thời gian tới, SHB sẽ tài trợ khoảng 4.000 tỷ đồng cho các dự án của các công ty liên doanh liên kết với PMC là chủ đầu tư gồm: Dự án xây dựng đường Vành đai phía Đông – Xa lộ Hà Nội, nâng cấp đường Lương Định Của…

Nguồn BizLive


Sự kiện