Giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình ổn định theo năm bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh:xaydung

 
Sơn Mai Thứ Năm | 21/01/2021 13:22

Mặt bằng bán lẻ nhu cầu mở rộng cao, nguồn cung giới hạn

Ngành bán lẻ đang phát triển rất nhanh chóng. Vị trí lân cận và sự thuận tiện sẽ thúc đẩy chu kỳ phát triển tiếp theo ở ngoài trung tâm.

Theo thông tin từ Công ty Savills Việt Nam, phân khúc mặt bằng trung tâm thương mại và cửa hàng bách hóa đều giữ được sức hút, đạt công suất ổn định trong năm 2020 do lượng khách mua sắm cao và cơ cấu khách thuê tốt.

Công suất trung bình cả năm 2020 đạt 95%, giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo năm. Công suất hoạt động của khối đế bán lẻ giảm mạnh nhất 4 điểm phần trăm theo năm do cơ cấu khách thuê kém đa dạng và lượng khách giảm. 

Trung tâm thương mại có công suất đạt 95% và cửa hàng bách hóa đạt 98%, cả hai phân khúc đều giữ được sức hút và công suất ổn định theo năm do lượng khách mua sắm cao và cơ cấu khách thuê tốt. Diện tích trống nhanh chóng được lấp đầy, đặc biệt là ở khu trung tâm.

Giá thuê trung bình ổn định theo năm bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chủ đầu tư lạc quan do việc kiểm soát đại dịch hiệu quả, công suất thuê cao và triển vọng kinh tế tích cực. Với nhu cầu cao, giá thuê trung bình khu trung tâm tăng 5% theo năm, tiếp tục đà tăng từ năm 2018. Các hổ trợ giá thuê hoặc phí dịch vụ mà các chủ nhà cung cấp trong qúy II và III đã hết hiệu lực tại IV.

Ảnh:
Các thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước đang tìm cách mở rộng tại thị trường Việt Nam với diện tích lớn từ 300-1.000m2 ở các vị trí có lượng người mua sắm cao. 

Năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, sau khi giảm -12% YoY trong Qúy II do lệnh cách ly xã hội, bắt đầu phục hồi: ổn định ở qúy III và tăng 1% theo năm trong qúy IV. CPI được kiểm soát tốt ở mức bình quân 2,8%, thấp hơn mức 3,8% của năm 2019.

Các thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước đang tìm cách mở rộng, yêu cầu diện tích lớn từ 300-1.000m2 ở các vị trí có lượng người mua sắm cao. Tuy nhiên, các diện tích trống còn lại chỉ từ 100-200m2, chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Năm 2021, 12 dự án mới với hơn 170.000m2 sẽ gia nhập thị trường. Khoảng 80% tổng nguồn cung này dự kiến ở khu vực ngoài trung tâm. Tuy nhiên, một số dự án mới có thể trì hoãn khai trương mặc dù đã hoàn thành xây dựng.

Doanh thu bán lẻ dự báo vẫn lạc quan. Theo Trading Economics, doanh số bán lẻ dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác. Năm 2021, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020, theo Fitch Solutions. Các danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021.

Ảnh: brandvietnam
Năm 2020, hệ thống bán lẻ ổn định, đa dạng cùng với sự tiếp sức của thương mại điện tử. Ảnh: brandvietnam

Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo phục hồi mạnh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương do kiểm soát đại dịch tốt và chính sách kích cầu hiệu quả. Hầu hết các nước Châu Á đều có mức tăng trưởng âm năm 2020. Chính phủ Việt Nam dự đoán tăng trưởng đạt 6,5% năm 2021, phục hồi sau đại dịch. World Bank và ADB dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và 6,1% năm 2021.

Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, trong năm 2020, hệ thống bán lẻ ổn định, đa dạng cùng với sự tiếp sức của thương mại điện tử đã trở thành bệ đỡ cho cả khu vực dịch vụ tăng trưởng. Đây cũng là mảng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất trong năm 2020, với 418 dự án, trị giá 233,2 triệu đô la Mỹ. Hệ thống phân phối tại TP.HCM có 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng tiện lợi.

►Bất động sản công nghiệp: Điểm tích lũy 2021