Nhà lắp ghép và vật liệu 3d đang tích lũy năng lượng để thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: panelvilla.com
Mảnh ghép lớn của nhà lắp ghép
Thị trường M&A vừa chứng kiến một thương vụ đáng chú ý khi quỹ đầu tư nổi tiếng thế giới Goldman Sachs Asset Management mua lại lượng cổ phần chi phối tại TLC Modular - một doanh nghiệp xây dựng nhà ở theo mô hình module dựng sẵn ở Vũng Tàu và có thị trường tiêu thụ ở Đông Nam Á, Úc và New Zealand. Tiềm năng của TLC và ngành xây dựng nhà ở lắp ghép hấp dẫn như thế nào mà Goldman Sachs lựa chọn đầu tư?
Theo tìm hiểu, giao dịch này liên quan đến việc tái cấu trúc nội bộ của TLC Modular Group và một thỏa thuận phức tạp khác. Theo đó, Goldman Sachs sẽ tái vốn hóa cho TLC để doanh nghiệp này mở rộng quy mô và đón đầu các cơ hội đang gia tăng trên thị trường xây dựng toàn cầu. Tại Việt Nam, TLC đang có 3 công ty con tham gia sản xuất và xuất khẩu các module kết cấu thép chế tạo sẵn cho các dự án nhà ở, khách sạn, văn phòng, cabin và nhà máy công nghiệp.
TLC Modular hình thành từ năm 1995, hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ dầu khí và xây dựng. Được sáng lập bởi một người Úc, Công ty đã tích lũy kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, Singapore, Úc và New Zealand trong các lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà ở module, trang thiết bị văn phòng.
Công ty hiện có cơ sở sản xuất và chế tạo tại Khu Công nghiệp Đông Xuyên (Vũng Tàu). Do nhu cầu ngày càng tăng của các dự án module, hiện nhà máy mới (TLC Modular Factory 2) đang được xây dựng tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ II.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường xây dựng nhà có thể sẽ dịch chuyển mạnh theo xu thế làm thế nào vừa chất lượng nhưng giá thành lại phải chăng. Ở đó, công nghệ xây dựng bằng cách lắp ghép các module chế tạo sẵn ở nhà máy, tùy biến thiết kế theo sở thích của khách hàng rồi vận chuyển bằng tàu biển hay container đến vị trí dự án rồi lắp ghép được xem là hướng đi khá hứa hẹn.
Công nghệ 3D còn kỳ vọng có thể hỗ trợ cho ngành phát triển vượt bậc. Theo nhận định của Goldman Sachs, cơ hội hợp tác với các chủ sở hữu bất động sản và các nhà phát triển thuộc nhiều phân khúc khác nhau (bao gồm nhà ở, khách sạn và văn phòng) giúp giảm chi phí xây dựng bằng cách sử dụng nền tảng 3D sản xuất ở bên ngoài sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi.
Theo Global Industry Analysts, thị trường toàn cầu cho nhà tiền chế ước tính đạt 106,1 tỉ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt quy mô sửa đổi là 153,7 tỉ USD vào năm 2026, tương đương với với tốc độ CAGR là 6,4%. Trong đó, thị trường Mỹ được ước tính ở mức 20,2 tỉ USD vào năm 2021, còn Trung Quốc sẽ đạt 38,2 tỉ USD vào năm 2026.
Thị trường toàn cầu cho nhà tiền chế ước tính đạt 106,1 tỉ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt quy mô sửa đổi là 153,7 tỉ USD vào năm 2026. Ảnh: TLC Modular Homes |
Các tấm panel đúc sẵn, một trong những mảng quan trọng của ngành, dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR 7,2% để đạt 61,9 tỉ USD. Phân khúc này hiện chiếm 22,9% thị phần nhà tiền chế toàn cầu. Công nghệ lắp ghép các tấm panel dựng sẵn đang được thúc đẩy bởi các yếu tố như thời gian xây dựng ít hơn, tiết kiệm chi phí, đầu tư bất động sản tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu gia tăng về các phương pháp tiếp cận thay thế cho xây dựng.
Hơn thế nữa, thị trường cũng đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng của khách hàng đối với việc giảm lượng khí thải CO2, xây dựng xanh và giảm thiểu chất thải. Thực tế, các quốc gia trong khu vực đã đi trước khá xa. Gần đây, một công ty xây dựng của Trung Quốc đã gây sửng sốt khi xây dựng một tòa chung cư 10 tầng chỉ trong thời gian kỷ lục: 28 giờ 45 phút. Việc xây dựng được thực hiện dựa vào lắp ráp các module đúc sẵn tại nhà máy, sau đó dùng cần cẩu và xe container chở đến địa điểm xây dựng để lắp ráp.
Giá thành xây dựng căn nhà lắp ghép chỉ bằng 1/2 căn nhà cốt thép cố định. Chính những điều này giúp cho nhà lắp ghép hiện nay có tính cạnh tranh cao và ngày càng nhận được niềm tin của nhiều khách hàng.
Hãng công nghệ Panasonic mới đây đã chọn Thái Lan là quốc gia đầu tiên trong khu vực để cung cấp nhà ở xây dựng module của Hãng thông qua thương vụ hợp tác với Siam Steel International, nhà sản xuất các sản phẩm thép và vật liệu xây dựng hàng đầu trong nước. Tại Thái Lan, Panasonic Life Solutions đạt doanh thu 4 tỉ baht vào năm 2020. Công ty này dự kiến đạt doanh thu 7,1 tỉ baht vào năm 2024. Trong số đó, 900 triệu baht dự kiến đến từ kinh doanh nhà lắp ghép.
Ông Wataru Matsumoto, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á - châu Đại Dương của Panasonic Life Solutions, cho biết: “Thiếu hụt lao động và các vấn đề chất lượng trong ngành xây dựng đã làm tăng cơ hội cho nhà module ở nhiều nước”.
Tại Việt Nam, xu thế xây dựng nhà lắp ghép đang ở giai đoạn đầu phát triển. Hiện công nghệ này được ứng dụng trong những công trình tạm thời hay các khu vực yêu cầu thi công nhanh và mới chỉ phổ biến ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM với mục đích chủ yếu là mô hình lắp ghép dùng cho văn phòng hay quán cà phê với phong cách độc đáo, tiện lợi. Gần đây, việc cung cấp giải pháp nhà lắp ghép di động đa năng có khởi sắc hơn khi tham gia vào các dự án du lịch homestay nhà vườn, diện tích từ 20-25 m2 với giá hoàn thiện phải chăng, từ 200-250 triệu đồng.
Nhìn về tương lai, có thể thấy công nghệ xây nhà lắp ghép là một lĩnh vực tiềm năng có thể thay đổi đáng kể cách thức mà ngành xây dựng vận hành hiện nay. Kiến trúc sư Đặng Ngọc Tú, đồng sáng lập Modun Home, cho rằng nhà module là xu hướng xây dựng thông minh trong tương lai, sở hữu đặc tính linh hoạt cũng như khả năng tùy biến mở rộng cao.