M&A bất động sản năm 2012: Nhà đầu tư nội lên ngôi
Hầu hết vụ M&A trên thị trường địa ốc đều diễn ra âm thầm, thị trường chỉ biết đến khi câu chuyện chuyển giao đã kết thúc. Trái với dự báo hồi cuối năm 2011 trước việc các nhà đầu tư ngoại sẽ thu gom các dự án bất động sản nội, ghi nhận từ những thương vụ M&A thành công trong năm 2012 cho thấy hiếm bóng nhà đầu tư ngoại.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Trưởng Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam nhưng họ thận trọng hơn các doanh nghiệp trong nước. “Doanh nghiệp trong nước hiểu rõ thị trường hơn, nắm bắt được chu kỳ kinh tế tốt hơn nên việc các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực tài chính tốt nhanh chân hơn các nhà đầu tư nước ngoài cũng là điều dễ hiểu”, ông nhận xét.
Có lẽ, nhanh chân nhất trong năm 2012 là C.T Group. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn đã thực hiện ít nhất 2 thương vụ M&A. Hồi tháng 3, C.T Group đã mua lại 95% cổ phần của Công ty Phát triển GS Củ Chi (GSDC) thuộc Tập đoàn Hàn Quốc GS Engineering & Construction với giá 24 triệu USD và trở thành chủ đầu tư của dự án C.T Sphinx - sân Golf Nhân sư và khu Villas.
Năm tháng sau, C.T Group đã mua lại Công ty Thương mại và Đầu tư Thiên Lộc. Sau khi tiếp quản, tập đoàn này đã tiếp tục đầu tư và phát triển dự án Cao ốc Thiên Lộc thành 2 tiểu dự án là Sun View 3 và BeeHome 2.
Một lãnh đạo của C.T Group thừa nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn sôi động như những năm trước, C.T Group khó mà thực hiện được các thương vụ kể trên.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh, từ đầu năm đến nay, công ty này đã mua lại 4 dự án đất nền từ các đối tác trong nước gồm dự án Majestic (Biên Hòa, Đồng Nai), Bella (TPHCM), Gold Hill (Trảng Bom, Đồng Nai) và Marina (Bình Dương). Giá trị mỗi thương vụ ước tính từ 100-200 tỷ đồng.
Đất Xanh còn thực hiện các thương vụ hợp tác đầu tư khác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo hình thức tận dụng thế mạnh của đôi bên: chủ đầu tư có đất sạch, Đất Xanh có nguồn tài chính và hệ thống phân phối. Một số dự án được thực hiện theo kiểu đầu tư này là Sun View 3-4-5 và Phú Gia Hưng 2-3.
Ngày 26/10, Đất Xanh đã hợp tác với Công ty Địa ốc Gia Phú và bỏ ra 250 tỉ đồng mua toàn bộ giai đoạn 2 dự án Gia Phú (Thủ Đức, TPHCM) để khai thác phân khúc căn hộ giá trung bình.
Gần đây Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân liên tục chào bán các dự án căn hộ mang thương hiệu Cheery. Cụ thể, dự án Cheery 2 trước đây có tên là Võ Đình Apartment, tọa lạc trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM, do Công ty Tư vấn và Kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư. Tiếp đó là dự án căn hộ Cheery 3 trước đây có tên là Trung tâm Thương mại Hóc Môn, do Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn làm chủ đầu tư. Và cuối cùng là Cheery 4 Apartment tiền thân là Babylon Residence do Công ty Đạt Gia làm chủ đầu tư.
Ngay từ đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai cũng mua 100% dự án Thanh Bình (quận 7) để đầu tư và phát triển loại hình căn hộ…
Thương vụ M&A bất động sản âm thầm nhất trong năm đó là việc Viettel mua lại tòa nhà văn phòng (Crown Offices Building) của Công ty TNHH Trần Hồng Quân. Thương vụ này không công bố rộng rãi thông tin và giá trị chuyển nhượng, nhưng tòa nhà văn phòng này ước tính trị giá khoảng 30 triệu USD.
Tháng 10/2012 vừa qua, Vinaconex đã hoàn tất chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành (Vinaconex Hoàng Thành), chủ đầu tư dự án Park City tại quận Hà Đông (Hà Nội). Vinaconex không tiết lộ đơn vị mua lại.
Cuối năm 2011, Tập đoàn Hà Đô công bố thông tin muốn mua lại các dự án bất động sản tại Hà Nội và TPHCM trên website của Tập đoàn. Ngay lập tức, Hà Đô đã nhận được lời chào mời bán lại dự án của nhiều chủ đầu tư trên cả nước. Trên thực tế, Tập đoàn Hà Đô cũng cho biết đã mua được một số dự án và đang thỏa thuận mua thêm 3 dự án nữa.
Nguồn VnMedia