Cảng quốc tế Long An.

 
Ngọc Sơn Thứ Tư | 27/05/2020 14:00

Long An hưởng lợi sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc

Bất động sản Long An với hạ tầng khu công nghiệp hoàn chỉnh đang ấm trở lại, đón đầu dòng vốn FDI hậu COVID-19.

Làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc hậu COVID-19 bất ngờ mang lại cơ hội hiếm có cho Việt Nam. Đặc biệt, các địa phương có quỹ đất trống rộng lớn, lực lượng lao động dồi dào, vị trí giao thương thuận tiện như Long An đang trở thành sự lựa chọn của các nhà đầu tư tiên phong đón đầu xu thế.

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ tầng Khu Công nghiệp Sài Gòn - Long An đã khởi công Khu Công nghiệp Đức Hòa III - Slico có quy mô gần 200ha tại huyện Đức Hòa. Đáng chú ý hơn, tại huyện Thủ Thừa, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty Cổ phần Quản lý Khu Công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam mới đây khởi công Khu Công nghiệp Việt Phát với diện tích  lên tới 1.800ha.

“Thương chiến Mỹ - Trung và dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật đã dành 2,2 tỉ USD hỗ trợ các nhà sản xuất nước này chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đón nhận các dòng vốn đầu tư quốc tế”, ông Lê Thành, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Thành Long An, nhận xét.

 


Không chỉ khu công nghiệp, mảng nhà ở tại thị trường Long An cũng gây chú ý với một số dự án có quy mô lớn của Nam Long, Trần Anh, T&T Group... Hay ở mảng năng lượng sạch, nhà đầu tư Bamboo Capital đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời 40MW tại huyện Thạnh Hóa. Các dự án mới có thể bổ sung thêm động lực phát triển toàn diện hơn cho tỉnh Long An khi thỏa mãn từ nhu cầu làm việc đến an cư của cư dân trong và ngoài tỉnh.

Thực tế, Long An đang ở top đầu cả nước xét về mức độ hiệu quả hoạt động của các dự án công nghiệp. Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết địa phương này có 32 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích hơn 11.500ha. Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động lên đến 86,78%. Tỉnh cũng được phê duyệt phát triển 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.106ha, trong đó có 21 cụm công nghiệp, diện tích 1.080ha đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy đạt gần 90%.

 


Với vị trí chiến lược nằm ngay tại cửa ngõ phía Tây TP.HCM và quỹ đất trống lớn, mục tiêu năm 2020 của Long An là đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, thu hút các dự án lớn có tiềm năng phát triển bền vững. Địa phương này sẽ sàng lọc và hướng đến những mô hình phát triển xanh, bền vững với các dự án có quy mô lớn, kiểu mẫu để tạo điểm nhấn và nâng tầm diện mạo địa phương.

So với các địa phương khác, Long An sở hữu một số ưu thế đáng kể. Theo hãng tư vấn JLL Việt Nam, Long An từ lâu đã giữ một vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi là cửa ngõ giao thương giữa TP.HCM với 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Long An đang sở hữu hệ thống giao thông kết nối tỉnh với khu vực khá hoàn chỉnh, bao gồm cả đường bộ lẫn đường thủy nhờ hệ thống sông rạch chằng chịt và gần với các cảng biển lớn như Cát Lái, Hiệp Phước hay Cảng quốc tế Long An. Trong tương lai, một khi đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài gần 58km đi vào hoạt động, kết nối giữa tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai sẽ được cải thiện đáng kể, tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp - logistics của tỉnh.

 

Bên cạnh đó, với tổng dân số hơn 2 triệu người, Long An có nguồn lao động tại chỗ dồi dào và lực lượng lao động có trình độ phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2019, Long An nằm trong top 10 cả nước và xếp ở vị trí thứ 4 trong 13 tỉnh miền Tây và luôn đạt tốc độ tăng điểm số PCI gốc trung bình hằng năm cao.

“Nhờ vào lợi thế vị trí địa lý cửa ngõ nối liền miền Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, cơ sở hạ tầng cũng như môi trường đầu tư ngày một cải thiện và lực lượng lao động đông đảo, chúng tôi tin rằng tỉnh Long An sẽ trở thành một điểm đến công nghiệp thu hút nhà đầu tư trong tương lai gần”, bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường của JLL Việt Nam, nhận định.
Tuy vậy, các chủ đầu tư cũng cần lưu ý một số địa điểm ở Long An có cấu trúc nền đất mềm, đòi hỏi chi phí đầu tư hạ tầng có thể cao gấp rưỡi so với khu vực có nền đất cứng hơn như Đồng Nai hay Bình Dương. Việc chính quyền tỉnh khắt khe hơn trong lựa chọn các dự án có tính bền vững, thân thiện môi trường có thể mang đến thách thức cho một số nhà đầu tư có năng lực hạn chế