trananhland.com
Long An đầu tư hạ tầng để tăng hấp lực
Liên tục được các phương tiện truyền thông nhắc tên trong hạng mục đáng đầu tư, giá đất nền đang rất sôi động sau thời gian dài im ắng. Điều gì đang xảy ra với Long An?
Loạt dự án mới
Khu hành chính mới của tỉnh Long An được quy hoạch với diện tích 104ha từ năm 2009 và tỉnh kỳ vọng tới năm 2020, nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị quy mô, hiện đại và sẽ là quận trung tâm của thành phố Tân An. Đồng thời, theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, đã tạo nên sức hấp dẫn và sự kỳ vọng về tốc độ phát triển nhanh chóng, bởi khu vực này nằm ngay trung tâm Quốc lộ 1A nối với TP.HCM chỉ chưa đầy 50km, cũng như nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Đề án này đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư rót vốn vào các dự án chung cư, nhà ở thương mại như Đồng Tâm Long An, Idico-Linco, Phúc Khang... Chẳng hạn, Đồng Tâm Group đã đăng ký đầu tư xây dựng những dự án bất động sản lớn mang tầm quốc tế, trong đó có dự án Thành phố Xanh với diện tích hơn 76,6ha tại phường 6, thành phố Tân An. Đặc biệt, năm qua, thị trường bất động sản các huyện vùng ven của Long An lại sôi động không kém gì thị trường bất động sản TP.HCM, nhất là tại các khu vực Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, đang có khoảng hơn 20 dự án bất động sản lớn đang mở bán. Những dự án này đa phần là đất nền, với giá từ 300-500 triệu đồng/nền.
Sự thật thì Long An hấp dẫn đến đâu? Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khu vực này đã có lịch sử đầu tư tiềm năng từ sau năm 1975 nhờ lợi thế về địa hình. Trước khi các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tham gia, đã có các doanh nghiệp đa quốc gia đặt chân xuống vùng đất này như Công ty nước khoáng Lavie, nhà máy bia Sapporo...
Tuy nhiên, ông Châu cũng khẳng định chỉ có một số khu vực thực sự hấp dẫn chứ không phải toàn bộ. Các khu vực đó là những nơi có vị trí được xem là ngoại ô của TP.HCM như Long An - Bến Lức - Đức Hòa - Cần Giuộc.
Địa hình Long An phù hợp làm khu công nghiệp (Đức Hòa) lẫn cảng biển (Cần Giuộc). Nhất là trong lĩnh vực cảng biển, Long An nằm trong quy hoạch cụm cảng quốc gia bao gồm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An và TP.HCM. Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Đồng Tâm cũng tung hàng ngàn tỉ đồng vào dự án cảng biển Long An.
Long An cũng là nơi có nguồn lao động dồi dào khi tỉ lệ dân nhập cư lên đến 40%, trên cả TP.HCM và chỉ sau Bình Dương (51%). Yếu tố này càng có lợi khi trong quy hoạch sắp tới, chủ trương TP.HCM đang hạn chế dần những ngày thâm hụt lao động, thì Long An là điểm đến lý tưởng nhất.
Chính vì thế, ngay khi các dự án hạ tầng kết nối Long An với TP.HCM được phát triển, các doanh nghiệp tham gia như Thaco, Nguyễn Kim, Nam Long, Năm Sao, Khang Thông... trong đó nổi bật nhất là Vạn Thịnh Phát vì nắm trong tay quỹ đất lớn nhất nhì Long An, với hơn 2.000ha.
Các doanh nghiệp bất động sản địa phương cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua này. Điển hình như Hiển Vinh Long An dự kiến ra mắt dự án Hiển Vinh Đại Phúc với quy mô 5,5ha vào quý IV năm nay. Doanh nghiệp kỳ cựu Trần Anh Long An đang mở bán 3 dự án là Phúc An City (100ha), Bella Vista (70ha) và Trần Anh Riverside (11ha).
Hai câu hỏi
Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn có sự do dự nhất định. Chẳng hạn, khi quy hoạch, Long An từng muốn phát triển nơi đây thành khu đô thị loại 1 với việc thu hút nhà đầu tư từ TP.HCM và các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Long An về đây đầu tư xây dựng và sinh sống. Tỉnh đã xây dựng thêm đường Hùng Vương nối dài để kết nối giữa trung tâm của thành phố Tân An và khu hành chính.
Tuy nhiên, hiện phần lớn các chuyên gia làm việc tại Long An vẫn đang thuê nhà ở TP.HCM, bởi đi lại cũng thuận tiện. Chính điều này khiến nhiều nhà đầu tư “ôm hận” vì đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án nhà ở cho thuê ở trung tâm Long An.
Vậy điều gì khiến Long An khác Bình Dương? Theo ông Châu của HoREA, Bình Dương kém hấp dẫn vì không có nhiều việc làm, thiếu các dịch vụ tiện ích, thiếu các ngôi chợ truyền thống trong khi dân nhập cư chủ yếu là công nhân. “Bên cạnh đó, Long An thể hiện rất rõ tinh thần ủng hộ nhà đầu tư trong quá trình công nghiệp hóa”, ông Châu nói.
Trên thực tế, theo ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Anh Long An, đầu tư vào hạ tầng Bình Dương thậm chí chỉ bằng 1/3 so với Long An. Tuy nhiên, Long An lại giáp với rất nhiều quận huyện của TP.HCM như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Nhà Bè.
Câu hỏi thứ 2 được các nhà đầu tư quan tâm không kém là đầu tư hạng mục nào và thời gian thu hồi vốn là bao lâu? Với thâm niên 10 năm kinh doanh bất động sản ở Long An, ông Vinh cho biết vẫn trung thành với phân khúc nhà giá rẻ dành cho đối tượng chính là công nhân lao động. Mặc dù vậy, có thể thấy các dự án Trần Anh sắp tới đều đầu tư nhiều vào các khu tiện ích hơn. Doanh nghiệp có doanh thu trung bình 200 tỉ đồng/năm không giấu tham vọng đón nhóm người giãn cư từ TP.HCM trong tương lai.
Trong khi đó, ông Châu cho rằng nếu xây phòng trọ cho công nhân thuê có thể sinh lãi nhanh, còn các dự án đất nền thì ít hiệu quả hơn vì hình thức đầu tư này phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ thi công của các dự án hạ tầng, thời gian thu hồi vốn trên dưới 5 năm. “Nhà đầu tư nên cẩn trọng với tình trạng thổi giá đất nền ở khu vực này hiện nay”, ông Châu nói.
Mới đây, một sự kiện được dư luận chú ý là Công ty Cổ phần Đồng Tâm đã khởi công giai đoạn 2 của dự án cảng biển quốc tế có tổng vốn đầu tư lên đến 9.000 tỉ đồng.
Là doanh nghiệp có trụ sở chính tại Long An, các nhà lãnh đạo của Đồng Tâm nắm được xu thế đó. Lý do là bên cạnh sở hữu các khu công nghiệp, việc đầu tư một cảng biển quốc tế có quy mô lớn để tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư đổ vào Long An sẽ là mảnh ghép khá hợp lý, đồng thời giúp cho chuỗi khu công nghiệp, các dự án bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng của Đồng Tâm thêm hoàn thiện. Sự rốt ráo của Đồng Tâm cho thấy Công ty này đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án bất động sản tại đây khi hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 11 công trình giao thông mang tính kết nối quan trọng với TP.HCM và khu vực miền Tây... Trước đó, năm 2014, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai đã chính thức được khởi công. Dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị TP.HCM. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu, tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và Khu Đô thị cảng Hiệp Phước. Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc - Long An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc.
Hiện nay đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km cũng đang được triển khai. Mặt cắt ngang đường giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường đô thị và vỉa hè 2 bên, bề rộng 74,5m; trên tuyến có 10 cầu vượt sông và 1 cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 1A. Khi hoàn thành, tuyến Bến Lức - Hiệp Phước sẽ giảm tải giao thông nội đô TP.HCM, kết nối liên hoàn toàn khu vực miền Nam và là tuyến đường huyết mạch trung chuyển hàng hóa đi cảng Hiệp Phước, lưu thông ra quốc tế qua đường biển.
Theo đề án Quy hoạch vùng TP.HCM thì 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa của tỉnh Long An sẽ là đô thị vệ tinh của thành phố. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và đô thị phát triển mạnh mẽ sẽ là động lực để thị trường bất động sản của tỉnh tăng trưởng trong tương lai gần. Vì vậy, so với khu vực TP.HCM, thị trường đất nền, nhà phố tỉnh Long An không xảy ra tình trạng “sốt” hay tăng giá đột biến nhưng vẫn đang thu hút nhiều nhà đầu tư.
Đông Sang