Ảnh: baodautu.vn

 
Duyên Hà Thứ Sáu | 27/12/2019 14:00

Loạt thách thức của thị trường bất động sản năm 2020

Theo các chuyên gia, những khó khăn của thị trường bất động sản năm 2019 sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2020.

Năm 2019 là năm đầy khó khăn của thị trường bất động sản khi nguồn cung khan hiếm, tín dụng bị siết chặt… Sang năm 2020, các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản  sẽ còn gặp nhiều trở ngại và thách thức.

Khan hiếm nguồn cung

Phát biểu tại hội thảo "Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP.HCM năm 2020” diễn ra mới đây, TS. Võ Trí Thành cho biết, thị trường bất động sản 2019 đã có những “nốt trầm” hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Tại TP.HCM, nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình”. Cùng với đó, tranh chấp đất tại Thủ Thiêm và nhiều thay đổi trong Luật Đất đai khiến các chủ đầu tư gặp khó trong việc triển khai dự án. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm. Và sự khan hiếm này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2020.

Số liệu thống kê từ batdongsan.com.vn cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn quốc chỉ có 5 triệu m2 sàn xây dựng, sụt giảm gần 200% so với mức 14 triệu m2 trong năm 2018. Tổng số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán cũng giảm 25%, ước tính chỉ đạt khoảng 43.000 căn hộ trong năm 2019. Số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn 2020 – 2022 được batdongsan.com.vn dự báo sẽ khó đạt được mức đỉnh như giai đoạn 2017 – 2018.

Còn ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Quản lý Nhà, Bộ Xây dựng dự báo, nguồn cung bất động sản nhà ở tại Hà Nội, TP HCM giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở giá thấp.

Nhà đầu tư mất niềm tin, thanh khoản thị trường giảm

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, khách hàng mua bất động sản gần đây đều đánh giá thị trường bất động sản đang rơi vào giai đoạn cuối của chu kỳ. Do đó, nhà đầu tư sẽ không mặn mà với việc xuống tiền do khó sinh lời nhanh như kỳ vọng, còn những người mua để ở thì có tâm lý chờ đợi giá giảm.

 

Nhận định về thị trường condotel và đất nền trong năm 2020, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc kênh thông tin batdongsan.com.vn cho biết, “năm 2020 sẽ là một năm khó khăn khi nhà đầu tư đang mất niềm tin vào loại sản phẩm này. Những câu chuyện liên quan đến chính sách cũng khiến niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay”.

Trong khi đó, ông Hưng cho rằng, sau diễn biến từ vụ việc của Công ty Alibaba rao bán các dự án "ma", cùng với sự vỡ trận của các dự dán vào cuối năm 2019 khiến nhà đầu tư và người mua để ở thực trong năm tới đều e ngại việc mua – bán bất động sản đất nền nên dự báo nguồn cung và lượng giao dịch ở phân khúc này sụt giảm mạnh.

Với thị trường bất động sản du lịch, các thị trường như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Kiên Giang... cũng sẽ rơi vào trầm lắng.

Pháp lý bị đình trệ

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng những rào cản pháp lý trong năm 2019 sẽ tiếp tục là lực cản với thị trường bất động sản trong năm 2020.

Hiện nay, các địa phương đều đang trong giai đoạn rà soát việc quản lý đất đai, do đó việc thực hiện các thủ tục để làm dự án mới mất nhiều thời gian và dẫn đến chi phí tăng.

 

Việc điều chỉnh khung giá đất ở một số địa phương có thể khiến giá cấu thành sản phẩm bị đội lên cao, buộc các chủ đầu tư phải giảm mức lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí dễ thua lỗ nếu không tính toán kỹ.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản như căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn.… chưa đồng bộ cũng sẽ là lực cản với thị trường trong năm 2020.

Tín dụng tiếp tục bị siết

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, lộ trình giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ năm 2016 và đã thực hiện đợt 1 từ 2018 và nay đang tiến hành đợt 2.

Việc siết tín dụng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đi tìm nguồn vốn mới, trong đó, huy động dòng tiền từ thị trường chứng khoán đã được coi là phương án thay thế.  Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết là 120 mã cổ phiếu, vốn hoá hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%.

Theo đánh giá, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh triển khai dự án, tăng cung cho thị trường, giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu chững lại thì việc các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu một cách ồ ạt cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi nguồn vốn thu được từ các đợt phát hành không được đưa vào dự án bất động sản, triển khai đúng tiến độ, hiệu quả.

►Thị trường bất động sản 2020: Doanh nghiệp chịu nhiệt kém sẽ rời bỏ cuộc chơi?

Thị trường bất động sản 2020: Dòng tiền sẽ đổ về đâu?

Thoát lời nguyền bong bóng, năm 2020 thị trường bất động sản lo ngại đóng băng