Thứ Hai | 08/12/2014 12:00

Liệu có "sóng" mua nhà từ người nước ngoài?

Một cuộc khảo sát cho thấy, trong 5 người nước ngoài được hỏi thì chỉ có 3 người cho biết có ý định muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Luật cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ tác động như thế nào đến hành vi của họ?

Nói tiếng việt sành sỏi và mong muốn định cư lâu dài tài Việt Nam, Don Phan, một người Mỹ gốc Việt về Việt Nam từ năm 2011, hoàn toàn có đủ điều kiện về tài chính để có thể sở hữu một căn nhà đảm bảo việc an cư lạc nghiệp. Thế nhưng, anh vẫn phải ở thuê trong một căn hộ tại TP.HCM, vì luật pháp Việt Nam trước đây không cho người nước ngoài được phép mua nhà.

Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội ngày 25-11 đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cả 2 luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015, cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Vậy liệu chính sách này có tạo nên một làn sóng mua nhà từ người nước ngoài như kỳ vọng của nhiều chủ đầu tư?

Hiện nay, Don Phan rất háo hức với những kế hoạch mới về việc sở hữu một căn hộ cũng như tìm kiếm không gian văn phòng thường trực cho taembe.com, một website thương mại điện tử do anh thành lập, chuyên kinh doanh các sản phẩm dành cho mẹ và bé.

“Đầu tư vào bất động sản tại thời điểm này là rất hấp dẫn. Tôi sẽ lao vào cơ hội này đến cùng”, Don Phan cho biết.

Một trường hợp khác, Lukasz Roszczyc, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Leo Burnett Việt Nam, cho biết mặc dù ông không có ý định mua, nhưng một số đồng nghiệp của ông có kế hoạch ở lại Việt Nam lâu dài lại đang xem xét mua căn hộ. Họ cho rằng với giá cả và chất lượng của các chung cư cao tầng mới được xây dựng là rất hấp dẫn.

“Nguồn cầu cho các dự án của Phú Mỹ Hưng vẫn ổn định, tuy nhiên Luật Nhà ở (sửa đổi) mở ra thêm đối tượng khách hàng và tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt”, ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Phú Mỹ Hưng, nhận định.

Thực tế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các công ty nghiên cứu thị trường thì đây là một chính sách vô cùng quan trọng đối với thị trường bất động sản. Điều này thể hiện ở chỗ, các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản lớn như Savills, CBRE hay Cushman Wakefiled đều có những nhận định tích cực về chính sách này.

Theo Savills, những sửa đổi mới này theo sau các cải cách pháp lý tổng thể có ảnh hưởng đến nhiều phân khúc thị trường và ra đời ngay thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Những cải cách pháp lý phù hợp với xu thế tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh cũng như tạo ra một môi trường tài chính cạnh tranh và lành mạnh hơn trong khu vực. Nó cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường bất động sản hấp dẫn này.

“Trong năm 2013, lượng kiều hối đã tăng 10%, đạt đến 11 tỉ USD. Lượng lớn kiều hối này giờ đây có thể yên tâm rót vào thị trường bất động sản”, báo cáo của Savills viết.

Đứng ở góc nhìn của một chuyên gia về bất động sản và cũng là người nước ngoài đang tìm mua nhà ở Việt Nam, ông Timothy Horton, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam, cho rằng quyết định này có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản nhà ở hay không còn phụ thuộc vào định nghĩa “Việt kiều/người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp” do luật quy định.

Theo ông, nếu “thị thực hợp pháp” ở đây là dành cho những Việt Kiều, người nước ngoài hiện sống và làm việc tại Việt Nam có thời gian cư trú cụ thể, thì quy định này không tác động nhiều đến thị trường nói chung. Còn nếu “thị thực hợp pháp” dành cho những cá nhân có khả năng nhập cảnh vào Việt Nam một cách hợp pháp, không hạn chế về nơi cư trú hiện tại thì nguồn cầu đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên trên khắp khu vực, từ những quốc gia vốn đang tìm kiếm thị trường đầu tư ở nước ngoài và có giá thành không quá đắt như tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam nếu muốn mua nhà thì bằng cách này hay cách khác đều thực hiện được, có thể bằng cách thuê 50 năm hoặc nhờ người khác đứng tên hộ. Ông Timothy nhận định đây là điều tất yếu khi quy định của pháp luật đi sau những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Khi Luật Nhà ở được sửa đổi, lượng cầu có thể sẽ tăng nhưng rất khó để tạo “sóng”.

“Tôi dự kiến, tại phân khúc nhà ở trung cấp và cao cấp, lượng cung được hấp thụ sẽ tăng dần. Mức giá của phân khúc trung và cao cấp vượt xa so với túi tiền của số đông người dân Việt Nam nhưng lại khá vừa phải so với kinh phí của các nhà đầu tư khu vực. Tuy nhiên, không rõ những người nước ngoài ở Việt Nam có thể được phép vay thế chấp ngân hàng để mua nhà hay không”, ông Timothy nhận xét.

Trường hợp tại dự án Scenic Valley của Phú Mỹ Hưng mới đây có thể là một ví dụ. Mặc dù không cho biết cách thức sở hữu như thế nào, nhưng theo thông cáo báo chí được phát đi từ công ty này, trong 2 đợt mở bán đầu tiên của dự án với 360 căn thì chỉ có 15 trường hợp là người nước ngoài mua căn hộ ở dự án này.

Một cuộc khảo sát nhỏ của NCĐT cũng cho thấy, trong 5 người nước ngoài được hỏi thì chỉ có 3 người cho biết có ý định muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Ngay cả Timothy, mặc dù đã làm việc tại Việt Nam từ năm 2008 và hiện đang ở nhà thuê nhưng ông vẫn chưa có ý định sẽ sở hữu nhà tại Việt Nam.

Nguồn Nhịp cầu đầu tư