Ảnh: T.L

 
Thủy Ngọc Thứ Hai | 07/08/2023 14:00

Liên danh đua gói thầu tỉ USD

Đã có những liên danh xây dựng được lập ra để tạo vị thế tham gia các gói thầu lớn. Liệu điều này có thành xu hướng?

Cuối tháng 6/2023, khi ông Bolat  Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons, ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Central và ông Nguyễn Khắc Đồng, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng An Phong, cùng có mặt tại Đại hội đồng cổ đông của Hòa Bình, nhiều người rất ngạc nhiên. Bởi lần đầu tiên, những “ông trùm” trong ngành xây dựng từng so kè nhau lại ngồi cùng nhau trò chuyện vui vẻ.

Liên danh đấu thầu gói tỉ USD

Hóa ra giữa Coteccons, Hòa Bình, Central, An Phong có gắn kết từ trước. Đó là cùng tham gia vào liên danh Hoa Lư do Coteccons khởi xướng và làm “chủ xị”. Liên danh này không phải chỉ có 4 cái tên kể trên mà còn có sự tham gia của 4 nhà thầu khác gồm Delta, Unicons, Thành An và Power Line Engineering (PLE) đến từ Thái Lan.
Không riêng Hoa Lư, để cạnh tranh đấu thầu trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên danh Vietur Consortium và CHEC - BCEG - Vietnam Contractors cũng quy tụ nhiều tên tuổi. Đứng đầu liên danh Vietur là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng (IC ISTAS, Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoài ra, có Vinaconex và các công ty thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương như Ricons, Newtecons, SOL E&C... cũng tham gia vào Vietur.

 

Hay trong liên danh CHEC - BCEG - Vietnam Contractors, bên cạnh China Harbour Engineering (CHEC) và Beijing Construction Engineering Group (BCEG) còn có Thuận Việt, CDC, Xuân Mai... Tính chung, cả 3 liên danh ngành xây dựng đã thu hút tới 27 công ty tham gia. Cả 3 cùng chạy đua để lọt vào mắt xanh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV). Dự kiến, tháng 8 này, ACV sẽ công bố kết quả. Liên danh nào giành chiến thắng ở gói thầu 5.10 sẽ tham gia xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của sân bay quốc tế Long Thanh giai đoạn 1, với giá trị hơn 35.200 tỉ đồng, tức gần 1,5 tỉ USD.

Chưa rõ phần thắng sẽ thuộc về ai nhưng cả Hoa Lư, Vietur, CHEC - BCEG - Vietnam Contractors đều cùng chạy đua thể hiện sức mạnh. Ông Trần Quang Tuấn của Central cho biết, liên danh Hoa Lư đã có 1 năm chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và nguồn lực. Hoa Lư cũng tự thuê 2 đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới về thi công công trình hàng không của Pháp và Nhật để tư vấn, điều hành công trình. Nếu thắng thầu, liên danh cam kết sẽ hoàn thành dự án trong 36 tháng, dưới sự hỗ trợ của các ngân hàng lớn trong nước.

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định: “Không phải chỉ Hoa Lư, mỗi liên danh đều có những lợi thế riêng”. Nếu liên danh Hoa Lư được VDSC đánh giá cao về danh tiếng, với các thành viên tham gia là những công ty dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam như Coteccons, Hòa Bình và thêm sự tham gia của công ty số 1 Thái Lan về cơ điện là PLE thì Vietur có thế mạnh về kinh nghiệm. IC ISTAS - công ty ngoại đứng đầu liên danh Vietur - từng xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại nhiều nước như Nga, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari... Còn Newtecons, Ricons là những công ty đã cán mốc doanh thu 10.000 tỉ đồng. Đặc biệt, thành viên Vinaconex của Vietur cũng vừa tham gia thi công gói thầu xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Huế) với giá trị gần 2.300 tỉ đồng.

Về phần liên danh CHEC - BCEG - Vietnam Contractors lại có lợi thế về quy mô. CHEC, công ty đứng đầu liên danh này, từng tham gia nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Trung Quốc và được chính phủ nước này cho vay ưu đãi. CHEC cũng có mặt ở hơn 100 quốc gia với giá trị các hợp đồng thực hiện đạt 30 tỉ USD. Ở Việt Nam, CHEC hiện diện từ năm 2002 và đã, đang thực hiện hơn 20 dự án, trải dài từ Bắc tới Nam với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD. Trong khi đó, BCEG cũng là tên tuổi lớn trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay của Trung Quốc và đang hoạt động trên 27 quốc gia.

Dù vậy, VNDirect cho rằng, kết quả cuối cùng sẽ còn tùy những điều kiện khác như thời gian thi công, kỹ thuật thi công, giá thành xây dựng... Giám đốc một công ty xây dựng lớn ở TP.HCM thì nghiêng về khả năng Vietur sẽ thắng thầu.

Khó thành xu hướng

Dù kết quả như thế nào, “đối với một dự án khủng, không một nhà thầu nào có thể xây dựng riêng lẻ”, ông Swake Srisuchart, Chủ tịch Ủy ban Điều hành PLE, quả quyết. Ông Bolat Duisenov cũng đánh giá: “Dự án nhà ga sân bay Long Thành là một dự án khó”. Hợp tác bắt tay trong cùng liên danh là cách tốt nhất để các bên có thêm sức mạnh cùng triển khai dự án.

Ở quy mô nhỏ hơn, các công ty xây dựng cũng lập liên danh tham gia. Bằng chứng là liên danh giữa Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN) và Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CCI) vừa trúng thầu gói thầu số 11 có giá trị hơn 1.387 tỉ đồng về thi công phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình thuộc dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự án này cũng do ACV làm chủ đầu tư. Liên danh HAN - CC1 đã vượt qua 2 đối thủ để trúng thầu.

Ảnh: cafebiz.vn
Ảnh: cafebiz.vn

Khi tham gia liên danh, mỗi công ty đều có những mục đích riêng. Đó có thể là “thêm nguồn công việc trong bối cảnh ngành xây dựng gặp khó” như ông Bolat Duisenov chia sẻ hoặc “tạo bước ngoặt cho các nhà thầu nội, giúp tận dụng nguồn nhân lực trong nước và thay đổi cách nhìn đối với các nhà thầu Việt” như nhận định của ông Trần Quang Tuấn.

Dù mục đích gì thì trong liên danh tham gia đấu thầu gói 5.10, mục tiêu kinh tế có lẽ không phải là câu chuyện chính. Bởi nếu tính trung bình, mỗi công ty trong liên danh có thể sẽ chỉ đảm đương phần việc có giá trị khoảng 1/10 tổng giá trị gói thầu, tức khoảng 3.500 tỉ đồng, làm trong 3 năm. Chia ra từng năm thì giá trị chỉ còn hơn 1.000 tỉ đồng. Đây không phải là con số quá hấp dẫn khi nhiều công ty trong các liên danh dễ dàng tìm cho mình những hợp đồng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, như phân tích, tham gia liên danh để triển khai các dự án lớn là cách có thể giúp các công ty tăng thêm uy tín, danh tiếng, vị thế... Điều này có lợi cho những công ty cần ghi điểm trước khách hàng, ngân hàng, đối tác, nhà đầu tư...

Nhưng theo lãnh đạo một công ty xây dựng, cái khó cho các công ty khi tham gia liên danh là phải hợp tác ăn ý, phối hợp nhịp nhàng. Chỉ cần xuất hiện xung đột không giải quyết được về phân chia công việc, về quyền lợi..., liên danh dễ tan rã và các thành viên trong liên danh có thể chuyển từ thế đối tác sang đối đầu.

Các công ty xây dựng Việt Nam cũng thường không phải là nhà thầu chính trong các liên danh. Trong 3 liên danh tham gia đấu thầu gói 5.10, chỉ nhóm Hoa Lư là do công ty nội địa chủ xị. Cả khi như thế, Coteccons cũng không phải là công ty thuần Việt khi vốn ngoại đã nắm giữ khoảng một nửa và dự kiến tăng room ngoại lên 60%. 

Điển hình, ở dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, liên danh do Công ty JGC Corporation (Nhật) đứng đầu cùng Chiyoda Corporation (Nhật), GS Engineering & Construction Corporation (Hàn Quốc), SK Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc), Technip France (Pháp), Technip Geoproduction (M) Sdn. Bhd (Malaysia) đảm trách vai trò nhà thầu EPC. Hay gói thầu 15 của dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 cũng giao liên minh Mitsubishi Corporation (Nhật) - Hyundai E&C (Hàn Quốc) - CC1 thực hiện. Riêng những dự án tỉ USD mà các công ty xây dựng có thể tham gia chủ lực như nhà máy Lego, Vinhomes Central Park (TP.HCM), Vinhomes Thăng Long (Hà Nội), Landmark... thì lại không cần liên danh.

Rõ ràng, công ty xây dựng Việt Nam sẽ cần một chặng dài mở rộng và lớn mạnh hơn nữa cũng như cần thêm sự trợ lực từ cấp quản lý nếu muốn vươn tới quy mô và khả năng thầu chính trong liên danh thực hiện các dự án tỉ USD