Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: LT/Baodautu.
Lạc quan về tương lai của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, “Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi có cái nhìn lạc quan về tương lai của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam”.
Cụ thể, trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng và cạnh tranh vị trí địa chính trị giữa các quốc gia, nhiều nhà đầu tư và tập đoàn đã chuyển hướng sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại khu vực châu Á, đặc biệt là châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định rằng Việt Nam có lợi thế hấp dẫn để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh.
“Đây là cơ hội rất tốt và cũng có những ý kiến cho rằng đây là cơ hội trăm năm có một để chúng ta tận dụng cơ hội thu hút đầu tư có chất lượng và là cơ hội để thị trường bất động sản công nghiệp của chúng ta có thể bùng nổ trong thời gian tới”, ông Chung nói.
Dưới góc độ vĩ mô, ông Chung cũng đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước như Thái Lan và Indonesia. Ví dụ, về mặt ổn định chính trị, nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và lâu dài. Thứ hai, nền kinh tế của Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng cao, ổn định và hội nhập sâu rộng, tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam có một thị trường hơn một trăm triệu dân, trong đó khoảng 57-59% là người trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động này đang được đào tạo và nâng cao trình độ, giúp chúng ta không chỉ thu hút đầu tư dựa trên lao động giá rẻ mà còn trên lao động chất lượng cao.
Thêm vào đó, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao quát các nền kinh tế lớn, quốc gia và trung tâm kinh tế, tạo ra không gian cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, Chính phủ đang tập trung thực hiện các đột phá chiến lược, cải thiện hạ tầng một cách mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc về đường bộ, đường biển, đường hàng không và trong tương lai là đường sắt. Chính phủ cũng đang quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với những điều kiện thuận lợi và quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương.
Ông Chung cho hay, hiện nay, các ngành mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao đã có tổ công tác chỉ đạo trực tiếp và xúc tiến đầu tư. Trong hai năm gần đây, nhiều cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao và các tập đoàn hàng đầu thế giới đã diễn ra tại Việt Nam, tạo nhiều thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm