Savills.com.vn
Kiều hối đổ mạnh vào bất động sản “quê hương”
Bất động sản Việt Nam không chỉ được quan tâm với góc nhìn “quê hương”, còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của kiều bào, bà Sunny Hoàng Hà, Phó Giám Đốc bộ phận Kinh doanh Quốc tế, Savills Tp HCM, nhận xét.
Với sự ổn định của dòng kiều hối khoảng 11-12 tỷ USD mỗi năm, bất động sản đã hút khoảng 2,5 tỷ USD/năm từ dòng tiền này, bà Hoàng Hà cho biết.
Trên thực tế, kiều hối luôn được đánh giá là một nguồn lực quan trọng. Ước tính từ các con số thống kê của ngành ngân hàng cho thấy, lượng kiều hối về TP.HCM đạt khoảng 5,2 tỉ đô la trong năm 2017, tăng xấp xỉ 4,5% so với năm 2016.
Xét về bản chất, kiều hối có thể được xem như nguồn vốn một chiều với nhiều lợi thế đầu tư tự do, trong khi xét về quy mô, kiều hối hoàn toàn được kỳ vọng lớn tương đương FDI và FII nhờ vào số lượng xấp xỉ 4,5 triệu kiều bào, tương đương gần 5% dân số.
Năm 2018, nhu cầu phân khúc này được Savills Việt Nam nhận định là “lớn” bởi thu nhập của Việt kiều sinh sống tại Mỹ, châu Âu và châu Á tương đối cao, cùng xu hướng an cư khi về hưu, sinh sống, làm việc hay đầu tư về Việt Nam đang gia tăng.
Thêm nữa, cơ hội và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam của đối tượng khách hàng đặc biệt này được đánh giá khả quan, dưới tác động của nhiều yếu tố từ kinh tế đến xã hội, trong bối cảnh khung pháp lý được nới rộng.
Xét đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho khách hàng đưa ra các quyết định đầu tư, như sự đa dạng từ các sản phẩm, giá cạnh tranh, cùng những yếu tố về tăng trưởng vĩ mô và an ninh được đảm bảo.
Thế nhưng, vẫn còn những hạn chế trong thủ tục và những vấn đề pháp lý cần được bổ sung, bà Hoàng Hà cho biết trong bối cảnh tỷ lệ Việt kiều sở hữu nhà ở trong nước đang tăng lên kể từ khi Nhà nước mở rộng chính sách cho Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam.
Trong khi đó, tình trạng pháp lý của bất động sản dự định giao dịch chiếm đến 61% sự quan tâm của khách hàng, Đại học Luật TP HCM dẫn số liệu các khảo sát về mối quan tâm của người tham gia giao dịch bất động sản.
Một loạt các vấn đề về rủi ro cùng với sự thiếu kiến thức khiến ông Trần Văn Thắng, đang sinh sống tại Manchester của nước Anh, đến nay vẫn ngần ngại, chưa đưa ra quyết định cuối cùng cho giao dịch bất động sản tại Việt Nam.
Người Việt ở nước ngoài về nước mua nhà, vấn đề ông Thắng quan tâm nhiều năm qua, nhưng đến nay ông Thắng vẫn chưa tìm được câu trả lời rốt ráo cho các vấn đề mà ông quan tâm, như làm sao biết được bất động sản mình muốn giao dịch đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh hay chưa, hoặc cần phải chuẩn bị những thủ tục gì khi giao dịch bất động sản trên thị trường...
Tiến sĩ Lê Nết, người phụ trách nhóm luật sư chuyên về lĩnh vực trọng tài, tài chính và cơ sở hạ tầng tại LNT & Partners, cho rằng, có nhiều hạn chế trong chính sách hiện hành, một trong số đó là giới hạn về tỷ lệ sở hữu bất động sản với người nước ngoài.
Sự hạn chế này là “không cần thiết” và “cần xem xét lại” theo hướng thúc đẩy thị trường và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Tiến sĩ Lê Nết, người từng hành nghề tại Công ty Luật Baker & McKenzie, khẳng định.
Hiện tại, để gỡ bỏ bớt những rào cản, khách hàng là Việt kiều cũng như người nước ngoài thường tìm đến những đơn vị tư vấn uy tín để có được những hỗ trợ giao dịch tốt nhất. Chẳng hạn, dựa trên kinh nghiệm thực tế của Savills, quy trình tư vấn miễn phí có thể bắt đầu từ việc xác định, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về vị trí, các tiêu chuẩn trước khi lựa chọn những dự án phù hợp.
Thông qua hoạt động tư vấn, bà Hoàng Hà tin rằng, khách hàng Việt kiều và nước ngoài sẽ có cái nhìn khách quan hơn về tình hình chung của thị trường, nắm bắt được tương đối chính xác giá trị tài sản và kỳ vọng đúng mức về các sản phẩm bất động sản.