Thứ Năm | 03/07/2014 15:07

Kiều hối chuyển dịch vào bất động sản

Kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với thị trường bất động sản sau một thời gian dài đóng băng và giao dịch trầm lắng.
Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam trong năm qua với 11 tỷ USD và dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay. Điều đáng chú ý kiều bào bắt đầu nhìn thấy cơ hội, khi nguồn kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với thị trường bất động sản (BĐS) sau một thời gian dài đóng băng và giao dịch trầm lắng.

Top 10 thu hút kiều hối toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Di cư và Phát triển. Theo đó, năm 2013 kiều hối toàn cầu đạt 542 tỷ USD. Con số này được dự đoán tăng lên 581 tỷ USD năm 2014 và 681 tỷ năm 2016. Ấn Độ là nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới với 70 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc (60 tỷ USD), Philippines (25 tỷ USD) và Mexico (22 tỷ USD).

Việt Nam xếp thứ 9 trong danh sách này với 11 tỷ USD kiều hối năm 2013. So với năm 2012, thứ tự 9 nước đầu không thay đổi và Việt Nam cũng đứng thứ 9 thế giới về thu hút kiều hối. Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ kiều hối trên GDP, quốc gia dẫn đầu lại là Tajikistan (52%), Cộng hòa Kyrgyz (31%) và Nepal, Moldoval (cùng 25%).

Năm 2012 con số kiều hối về Việt Nam đạt 10,5 tỷ USD và năm 2013 đạt 11 tỷ USD. Dự báo nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm nay và thực tế cho thấy doanh số chi trả kiều hối qua các ngân hàng thương mại 5 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh.

Lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) cho biết kiều hối chuyển về qua Sacombank trong 5 tháng qua đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch Sacombank đưa ra cho năm nay ước đạt doanh số ở mức 1,9 tỷ USD, ngang bằng với năm trước.

Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của SBR đạt 15,01 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, đóng góp lợi nhuận đáng kể cho Sacombank. Năm qua Công ty Kiều hối Đông Á đạt doanh số chi trả 1,53 tỷ USD, tăng 10% so với 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 20,1 tỷ đồng trong năm 2013, đạt 100% kế hoạch. Năm nay Kiều hối Đông Á dự kiến doanh số tăng 20-25%.

Các công ty kiều hối cho rằng kiều hối năm nay sẽ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, để biết được lượng kiều hối tăng trưởng ra sao, cần phải đợi đến cuối năm mới có thể nhận biết rõ dòng chảy của dòng vốn này.

Theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau tết và những tháng hè, sau đó sẽ dần trở lại bình thường từ tháng 8 và quay trở lại mùa cao điểm vào tháng 12, thường tăng khoảng 20-25% so với các tháng trong năm.
Kỳ vọng thị trường BĐS

Thực tế cho thấy BĐS là lĩnh vực thu hút kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối năm 2011. Vì vậy, có thể thấy sự biến động của thị trường này đã ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy kiều hối.

Thời gian qua, tảng băng thị trường BĐS đã được hỗ trợ ít nhiều từ gói kích cầu 30.000 tỷ đồng và việc giảm nhẹ lãi suất của các ngân hàng cũng như đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực này. Do đó, nếu phục hồi được thị trường BĐS, không những tăng lượng kiều hối mà còn cả những nguồn vốn nước ngoài khác tác động kép tạo sức hút đầu tư nước ngoài.

Trong những năm gần đây, một yếu tố hỗ trợ rất lớn cho doanh số kiều hối là từ lao động xuất khẩu. Đặc biệt Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành cùng với doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn lao động, mở rộng thị trường đã góp phần tăng nguồn ngoại tệ bơm vào kênh kiều hối.

Thực tế hiện nay các kênh đầu tư khác như chứng khoán, gửi tiết kiệm, vàng… không còn hấp dẫn. Đáng chú ý, với lãi suất tiết kiệm ngoại tệ đã giảm mạnh so với trước, hiện chỉ còn 1%/năm đối với cá nhân và 0,25%/năm đối với tổ chức, đồng thời tỷ giá hối đoái được kiểm soát ổn định trong 2 năm qua nên tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, không còn như trước.

Đại diện một ngân hàng cho biết những năm trước khách hàng nhận tiền kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Tuy nhiên, với hỗ trợ về tỷ giá của Nhà nước, 2 năm gần đây khách hàng có xu hướng đổi trực tiếp tại ngân hàng. Điều này giúp hoạt động thu đổi ngoại tệ của ngân hàng dồi dào, chênh lệch giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do đã thu hẹp đáng kể, có lúc kéo lại bằng nhau.

Vì thế, nguồn kiều hối về nước không còn ưu tiên gửi tiết kiệm như trước đây mà bắt đầu xu hướng tìm kênh đầu tư hiệu quả, trong đó BĐS được xem là lĩnh vực nổi trội có dấu hiệu thu hút kiều hối trở lại. Bởi giá BĐS tiếp tục có chiều hướng giảm và theo các đánh giá từ nhiều chuyên gia lĩnh vực này, thị trường nhà đất đã ở đáy, nhất là phân khúc chung cư, nhà ở và đất dự án.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thị trường BĐS khởi sắc sẽ là động lực để giải quyết vấn đề nợ xấu, đồng thời tác động tích cực đến nguồn kiều hối. Tuy nhiên, lượng kiều hối đổ vào BĐS khó tăng đột biến, nên chưa thể kỳ vọng BĐS ấm lên trong những tháng cuối năm nếu chỉ trông chờ vào kiều hối.

Thông thoáng chính sách

Một lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực tài chính cho rằng để có thể làm ấm dần lĩnh vực BĐS, cần chú trọng đến việc tăng cầu thị trường bằng chính sách thông thoáng hơn, mạnh hơn đối với bên mua là bà con kiều bào ở hải ngoại.

Đây được xem là giải pháp chính sách có ý nghĩa lớn về kinh tế và chính trị. Theo đó, đối với kiều bào có quốc tịch Việt Nam, thậm chí chưa có quốc tịch Việt Nam cũng được mua nhà biệt thự, căn hộ chung cư các loại tại các thành phố như người dân đang sinh sống tại Việt Nam.

Bà con kiều bào ở hải ngoại cũng có thể được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tổ chức trang trại sản xuất nông nghiệp, hay lập các cơ sở công nghiệp chế biến hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu, hoặc sản xuất công nghiệp phụ trợ như các nhà đầu tư trong nước.

Ngoài việc mua nhà biệt thự, căn hộ chung cư các loại làm tài sản sở hữu, đối tượng kiều bào thuộc diện những nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng liên doanh góp vốn với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong nước đang kẹt lối ra. Tuy nhiên, chính sách đối với kiều bào ở hải ngoại trong lĩnh vực BĐS cần phải được áp dụng nhất quán, không chỉ thu hút vốn trong giai đoạn thị trường bị đóng băng, mà cả cho sự ổn định lâu dài về sau. Có như vậy, nguồn kiều hối mới chảy về mạnh hơn.

Thực tế, lượng kiều hối về khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng mạnh, ước đoán tăng 4,8% năm 2013 lên 112 tỷ USD, trong đó mạnh nhất là Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Lượng người di cư trong khu vực này khá lớn, chủ yếu do sự chênh lệch về cơ hội và thu nhập.

Tuy nhân công tay nghề thấp chiếm phần lớn số này, nhưng nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại đây vẫn đang tăng lên. Đồng thời, với việc năm 2015 người lao động có thể tự do đi lại trong nhóm nước ASEAN, các chuyên gia tài chính cho rằng kiều hối vào khu vực này ước tính vượt 148 tỷ USD trong năm 2016.



Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ là yếu tố quan trọng thu hút đông đảo bà con người Việt ở nước ngoài hướng về đất nước, giúp đỡ gia đình làm ăn, ổn định cuộc sống. Vì thế, cần tạo điều kiện cho lực lượng trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài, doanh nhân phát huy, làm cầu nối giới thiệu tập đoàn kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với nơi định cư.

Các thị trường kiều hối tiềm năng của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống tại Bắc Mỹ, Australia. Riêng tại Đông Á, doanh số kiều hối vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và chiếm hơn 60% tổng doanh số. Cùng với xu hướng gia tăng mạnh mẽ của lượng kiều hối từ xuất khẩu lao động, chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối tại Việt Nam cũng đã có nhiều cải thiện.

Ông Trịnh Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, cho biết đơn vị đã mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết dịch vụ chuyển tiền ở những thị trường có mật độ người lao động Việt Nam cao. Tại đó đều có các giao dịch viên người Việt nhằm giúp khách hàng dễ dàng hơn trong thực hiện giao dịch.

Thời gian chi trả đã được rút ngắn, khách hàng có thể nhận tiền ngay trong ngày. Đó là những dấu hiệu khả quan, góp phần khơi thông lượng kiều hối về Việt Nam một cách dễ dàng, đồng thời giúp người lao động tại nước ngoài yên tâm khi gửi tiền về cho người thân.

Nguồn BizLive


Sự kiện