Thứ Tư | 30/10/2013 17:54

Kiến nghị điều chỉnh giãn tiến độ nâng cấp đường Hồ Chí Minh

Nội dung này trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày trước Quốc hội sáng nay nhận được sự đồng tình cơ bản
Do khó khăn về cân đối vốn, cân nhắc các điều kiện xây dựng, nhu cầu vận tải, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh giãn tiến độ mục tiêu nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn cao tốc vào năm 2020.

Nội dung này trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày trước Quốc hội sáng nay nhận được sự đồng tình cơ bản của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Theo Bộ GTVT, đường Hồ Chí Minh được xây dựng theo Nghị quyết số 38/2004/QH11. Tuyến đường đã hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2007, mang lại những hiệu quả nhiều mặt đối với phát triển KTXH đất nước, đặc biệt là cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở các địa phương nơi dự án đi qua.

Dự án góp phần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tạo điều kiện cho các địa phương phía Tây phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, xóa đói giảm nghèo và là trục xuyên Việt thứ 2, hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, thông suốt khi Quốc lộ 1 bị ách tắc trong mưa lũ.

Theo Nghị quyết số 38, giai đoạn 2 của dự án sẽ triển khai và hoàn thành trong khoảng thời gian từ 2007-2010. Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn, đến cuối năm 2008, đầu năm 2009, các dự án thành phần của giai đoạn này mới cơ bản được triển khai. Tình hình kinh tế khó khăn buộc Chính phủ phải rà soát, phân loại và giãn tiến độ hàng chục dự án đoạn tuyến.

Căn cứ nguồn lực quốc gia thời gian tới cùng với các điều kiện thi công, nhu cầu vận tải phù hợp với các mục tiêu phát triển, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh tổng chiều dài toàn tuyến từ 3.167km lên 3.183km (tuyến chính 2.499km, nhánh phía Tây 684km) để tránh một số điểm dân cư đông đúc, thuận lợi về GPMB. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng được điều chỉnh theo từng đoạn với quy mô từ 2-6 làn xe, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu vận tải từng đoạn, tuyến.

Về tiến độ đầu tư, báo cáo kiến nghị Quốc hội xem xét cho phân kỳ giai đoạn 2 đến 2015 cơ bản hoàn thành nối thông đường từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe, có tận dụng tuyến đường hiện có. Các đoạn tuyến còn lại và một số cấu phần lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020.

Giai đoạn 3 từ nay đến 2020 sẽ xây dựng 445km cao tốc một số đoạn Đoan Hùng (Phú Thọ)-Chợ Bến (Hòa Bình), Cam Lộ (Quảng Trị)-Túy Loan (Đà Nẵng) và Mỹ An (Đồng Tháp)-Rạch Sỏi (Kiên Giang), bao gồm cả cầu Cao Lãnh và Vàm Cống.

Kiến nghị của Bộ GTVT nhận được sự cơ bản nhất trí của cơ quan thẩm tra. Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng một số mục tiêu nêu trong Nghị quyết 38 chưa thực sự khả thi. Mục tiêu thông tuyến 2 làn xe vào năm 2010 với chiều dài toàn tuyến là 3.167km đi qua 30 tỉnh, thành phố suốt chiều dài đất nước, với các địa hình phức tạp, chưa có điều tra khảo sát đầy đủ và chưa xác định rõ nguồn vốn là không thể thực hiện được. Yêu cầu nâng cấp tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc trong giai đoạn 2010-2020 cũng chưa phù hợp.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số nội dung trong chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo đó, việc nâng cấp các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc thực hiện sau năm 2020 và phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư để thông toàn tuyến sẽ bố trí khoảng 24.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ từ nay đến năm 2020, đồng thời tăng cường huy động các hình thức BT, BOT và nguồn vốn ODA cho các đoạn, tuyến còn lại.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện