Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Hong Kong có thể không chỉ mang tính chu kỳ mà còn phản ánh những vấn đề cấu trúc. Ảnh: The Economist.
Khủng hoảng bao trùm bất động sản hạng sang Hong Kong
Những căn biệt thự sang trọng trên đỉnh The Peak, ngọn núi xanh mướt cao vút bao quát toàn cảnh Hong Kong, từ lâu đã được xem là biểu tượng của sự xa hoa, tách biệt khỏi đời sống thường nhật của thành phố. Từ đây, cư dân nhìn xuống đô thị đông đúc bên dưới. Thế nhưng, cơn suy thoái bất động sản đã kéo khu vực cao cấp này "trở lại mặt đất". Chỉ trong bốn tháng (từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay), một gia đình nhà đầu tư bất động sản phải bán tháo 8 căn biệt thự tại The Peak với mức giá chỉ bằng một nửa so với vài năm trước.
Hong Kong, vốn nổi tiếng với giá bất động sản cao nhất thế giới, đang trải qua một đợt sụt giảm nghiêm trọng. Giá nhà đã giảm hơn 25% từ đỉnh của cuối năm 2021, chạm đáy trong vòng 8 năm vào tháng 9 năm nay. Nhà tồn kho chưa bán đạt mức cao nhất trong 20 năm. Thị trường bất động sản thương mại cũng lao dốc, với tỉ lệ văn phòng trống cao kỷ lục trong 25 năm qua, trong khi giá thuê giảm tới 40% so với đỉnh điểm năm 2019, theo Savills.
Nguyên nhân toàn cầu và nội tại
Khủng hoảng bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trên bình diện quốc tế, lãi suất tăng cao và xu hướng làm việc tại nhà đã giáng đòn mạnh vào thị trường bất động sản. Từ giữa năm 2022, các ngân hàng Hong Kong đã 5 lần tăng lãi suất, đưa mức lãi suất lên cao nhất kể từ 2008. Theo PwC, 76% lao động tại Hong Kong làm việc từ xa ít nhất một phần thời gian, vượt xa mức trung bình 59% của châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố đặc thù của Hong Kong cũng góp phần trầm trọng hóa tình hình. Kinh tế Trung Quốc đại lục trì trệ, đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng USD (đồng HKD neo theo USD), khiến bất động sản Hong Kong trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đại lục. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp vẫn chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong khi các tập đoàn đa quốc gia dần thu hẹp hoạt động tại Hong Kong do căng thẳng địa chính trị.
Điều này khiến các căn biệt thự xa hoa trên The Peak, từng được săn đón bởi giới thượng lưu từ đại lục, nay mất sức hút.
Nỗ lực cứu thị trường
Để vực dậy thị trường, chính quyền Hong Kong đã điều chỉnh chính sách. Từ tháng 2, thuế trước bạ bổ sung với người mua nước ngoài và mua căn nhà thứ hai được xóa bỏ, nhưng giá nhà vẫn tiếp tục giảm. Đến giữa năm nay, động thái giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm và nới lỏng tỉ lệ cho vay tối đa đã phát huy tác dụng tích cực hơn. Tháng 10, số giao dịch nhà ở đạt 4.697 căn, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà cũng tăng trở lại theo tháng lần đầu tiên kể từ tháng 4.
Thế nhưng, để giải quyết tình trạng thừa cung bất động sản của thành phố, cần nhiều tháng cải thiện liên tục. Thị trường bất động sản "chao đảo" là vấn đề đặc biệt nhức nhối với chính quyền Hong Kong, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ việc bán đất để duy trì hệ thống thuế thấp. Chính quyền dự kiến phát hành 96 tỉ HKD (12 tỉ USD) trái phiếu trong năm nay, mức cao nhất trong 25 năm, nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách.
Điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng này có thể không chỉ mang tính chu kỳ mà còn phản ánh những vấn đề cấu trúc. Hong Kong đang đối mặt với nghi ngại về vai trò của mình trong nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt dưới tác động của luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt. Một số ngành trụ cột bị lung lay. Lượng vốn huy động trên thị trường chứng khoán trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt chưa đến 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Thêm vào đó, lực lượng lao động của Hong Kong đã giảm gần 200.000 người trong những năm gần đây, một con số đáng kể đối với thành phố chỉ có 7,5 triệu dân. Trước tình trạng dân số già đi nhanh chóng, khi dự kiến 1/3 cư dân sẽ trên 65 tuổi vào năm 2040, chính quyền đang nỗ lực thu hút nhân tài từ đại lục qua các chương trình cấp thị thực.
Nếu may mắn, những nhân tài mới sẽ giúp hồi sinh thị trường bất động sản và mang lại sức sống mới cho các biệt thự sang trọng trên đỉnh The Peak.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn The Economist