Khu Tây Bắc TPHCM lại lỗi hẹn
Rộ lên như một hiện tượng mới trong lĩnh vực bất động sản hồi đầu năm sau hơn 20 năm yên ắng, nay khu Tây Bắc của TP.HCM có khả năng sẽ lỗi hẹn với các nhà đầu tư. Được biết, khu Tây Bắc gồm 5 quận huyện, phần lớn có đông dân cư sinh sống như Tân Bình, Tân Phú, quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi. Đó là chưa kể quốc lộ 22 nối với tỉnh Tây Ninh, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Khu vực này được TP.HCM đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng khi kêu gọi các tổ chức tài chính có tiềm lực đầu tư hai tuyến đường sắt đô thị là tuyến metro số 2 và số 5, cùng hệ thống xe buýt kết nối với trung tâm thành phố và các quận lân cận. Song song đó, các dự án đường Vành đai 3 (Bến Lức - quốc lộ 22 và đoạn quốc lộ 22 - Bình Chuẩn), tuyến cao tốc TP.HCM đi Mộc Bài chuẩn bị hoàn thành.
Ngoài ra, theo giới kinh doanh bất động sản, khu Tây Bắc được xem là hướng phát triển bền vững từ thời Pháp. Do đặc điểm của TP.HCM là cao từ hướng Tây Bắc và thoải dần về khu vực Đông Nam nên khu vực Tây Bắc sẽ thích nghi được với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên trong 50 năm tới. Địa chất công trình của khu vực Tây Bắc cũng chắc chắn hơn so với khu Đông và Nam của Thành phố.
Khi trả lời câu hỏi vì sao mãi đến bây giờ khu vực này mới được chú trọng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giải thích rằng đó là do quyết sách trong 25 năm trở lại đây, lãnh đạo Thành phố xem việc tiến ra biển là hướng phát triển chủ đạo, tức ưu tiên phát triển theo hướng Đông Nam.
Những dấu hiệu tích cực nói trên đã làm bất động sản Tây Bắc trỗi dậy. Hồi đầu năm nay, hàng loạt dự án được giới thiệu như Làng Sen của Công ty Phúc Khang, Cát Tường Phú Thạnh, Cát Tường Phú Nam của Công ty Cát Tường Đức Hòa, Thanh Yen Residence, khu biệt thư cao cấp của Nam Long...
Nhưng đến nay, tình hình vẫn khá trầm lắng. Giới kinh doanh bất động sản dự đoán nhiều khả năng khu Tây Bắc sẽ lỗi hẹn trong năm nay.Một trong những nguyên nhân cho sự trễ hẹn này là hạ tầng giao thông ở khu vực Tây Bắc đã quá tải. Hiện nay có hai đường chính dẫn vào khu vực này là Cộng Hòa và Trường Chinh và đều quá tải vào các giờ cao điểm. Các nhánh đường phụ như Lê Đại Hành - Âu Cơ, Lý Thường Kiệt - Lũy Bán Bích hay Lãnh Binh Thăng - Hòa Bình cũng chịu chung số phận.
Dự án Thanh Yen Residence tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: nhadatthanhyen.vn |
Tháng 3 năm nay, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã đưa ra một số quyết định giải cứu giao thông khu Tây Bắc như dự án hầm chui An Sương với số vốn 514 tỉ đồng nhằm giải quyết ùn tắc nút giao An Sương, nâng cao năng lực lưu thông trên trục quốc lộ 1A, quốc lộ 22, đường Trường Chinh. Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) cũng được Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt (đến năm 2019, giai đoạn 1 của tuyến metro này dự kiến sẽ đưa được vào vận hành).
Tháng 9 năm nay, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết mới nhận được đề xuất của liên danh các nhà đầu tư gồm Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Thương mại, Sản xuất, Xây dựng Đông Mê Kông và Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á về việc xây dựng đường trên cao xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, có tổng chiều dài hơn 5 km, chiều rộng từ 7,5-12,5 m. Dự án bắt đầu từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long) rồi đi qua trước cửa nhà ga T2 (ga quốc tế), T1 (ga quốc nội) và nối đến nhà ga T3 (dự kiến sẽ xây dựng phía cuối đường Hoàng Hoa Thám) với tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng.
Dù phần lớn được Ủy ban Nhân dân TP.HCM chấp thuận chủ chương đầu tư xây dựng nhưng cho đến nay chưa có dự án nào chính thức được thực hiện.
Nguyên nhân thứ hai đến từ cơn sốt ở khu vực phía Đông như quận 9, quận 2, quận Thủ Đức và Nhơn Trạch vẫn đang nóng lên từng ngày. Mới đây, TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng một loạt tuyến đường, công trình tại quận 9 như Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Việt (đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển... nhằm đẩy mạnh phát triển khu vực phía Đông.
Đây là một phần lý do khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng. Sau dự án Topaz Garden ở quận Tân Phú, ông Nguyễn Huy Vũ, Trưởng phòng Truyền thông của Công ty Đất Xanh Đông Á (thuộc Đất Xanh Group), cho biết từ đây đến cuối năm, Công ty sẽ tập trung vào dự án Luxcity (quận 7) và Sunview Town (Thủ Đức).
Tương tự, Công ty Hưng Thịnh, ngoài các dự án Melody Residences Florita Garden, 8x Đầm Sen..., cũng chưa công bố các dự tính gì thêm ở khu vực Tây Bắc. Đại diện truyền thông của công ty này cho biết trước mắt sẽ tập trung mở bán dự án Richmond City ở quận Bình Thạnh.
Trong khi đó, theo nhận định của đại diện Công ty Trần Anh (Long An), yếu tố hạ tầng và cơn sốt khu Đông có ảnh hưởng đến bất động sản khu vực Tây Bắc ở một số phân khúc nhưng không nhiều, vì lượng khách hàng quan tâm vẫn khá đông trong thời gian qua.
Khu Mỹ Hạnh Nam là khu được nhiều khách hàng chú ý vì tỉnh lộ 9 đang được mở rộng, kết nối quốc lộ 12 và Hóc Môn. Hạ tầng, dịch vụ khu vực này cũng tương đối hoàn thiện. Quan trọng hơn, giá đất không bị đẩy lên quá cao như ở Đồng Nai. Với giá khoảng 300-500 triệu đồng, sau 2-3 tháng nhà đầu tư có thể sang tay với giá chêch lệch từ 60-100 triệu đồng.
Công Sang