xu hướng khu công nghiệp xanh là một trong các yếu tố được ưu tiên lựa chọn đầu tư.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 30/11/2023 22:38

Khu công nghiệp sinh thái "đắt hàng"

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là dòng vốn FDI vào các KCN xanh.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), việc thu hút nguồn vốn FDI vào một số khu công nghiệp đã “về đích” sớm trong năm 2023.

 

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2023, vốn đầu tư vào các khu công nghiệp TP.HCM đạt gần 950 triệu USD, đạt 172% kế hoạch năm. Trong đó, vốn đầu tư FDI, 10 tháng đạt 184 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tại Đồng Nai, tính đến hết tháng 9/2023, vốn FDI rót vào các khu công nghiệp tại tỉnh này đã vượt 34% kế hoạch năm, với 940 triệu USD.

Theo khảo sát 200 doanh nghiệp FDI của KPMG cho thấy, các nhà đầu tư FDI bên cạnh các ưu tiên như vị trí (đường giao thông, gần cảng, gần sân bay...), nguồn nhân lực, các hạ tầng logistics khác, xu hướng khu công nghiệp xanh cũng là những yếu tố được ưu tiên lựa chọn đầu tư. 

Tại Diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam 2023”, ông Kazama Toshio, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ cho biết năm 2014, khu công nghiệp Phú Mỹ 3 được Thủ tướng quyết định thành lập khu công nghiệp chuyên sâu. Trên cơ sở đó, Phú Mỹ 3 tăng tỷ lệ mảng xanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch; nỗ lực thu hút các ngành công nghiệp phù hợp với tiêu chí trung hòa carbon mà Chính phủ Việt Nam hướng đến… Về thành quả, tổng vốn đầu tư các dự án đã đi vào hoạt động tại Phú Mỹ 3 đạt 3 tỉ USD, dự kiến đến 2026 nâng lên 5,5 tỉ USD. Suất đầu tư bình quân 8-9 triệu USD/ha.

Để các khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam phát triển nhanh hơn, ông Kasahara Masayuki, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại TP.HCM nhận xét: "Việt Nam cần có quy định với 1 bộ tiêu chuẩn chung cũng như cụ thể về bộ chỉ tiêu khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái".

Theo ông Kasahara Masayuki, ở Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia mà JICA đã hỗ trợ cho thấy cần có sự phối hợp Chính phủ và đại diện khu công nghiệp để xây dựng bộ chỉ tiêu này. Điều này cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành để cung cấp các giải pháp toàn diện, ngoài ra cũng cần có những hành động phù hợp để tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp. Việt Nam cần hệ thống tích hợp để làm sao có một hệ thống quy định, hướng dẫn, kiểm định xem có đạt tiêu chí khu công nghiệp sinh thái hay không.

Có thể bạn quan tâm:

Lễ Vinh danh Bất động sản tiêu biểu 2023