Mô hình cộng sinh trong khu công nghiệp sinh thái được các chủ đầu tư đánh giá là có tính cạnh tranh cao và là xu hướng của tương lai. Ảnh: shutterstock.com

 
An Hạ Thứ Tư | 09/10/2024 13:30

Khu công nghiệp cộng sinh

Chất thải của nhà máy này được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác sản xuất.

Trong khoảng 10.000 tấn xỉ thép mà Công ty Cổ phần Thành Đại Phú Mỹ xử lý mỗi tháng, có 92% lượng xỉ sau các bước tái chế được dùng làm phụ gia xi măng. Thành Đại Phú Mỹ là 1 trong 16 doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). 

Tái định nghĩa chất thải 

Trong mối quan hệ cộng sinh này, xỉ thép và tạp chất tách từ phế liệu được phân loại để thu hồi kim loại. Cụ thể, sắt tồn dư được đưa trở lại nhà máy thép để luyện phôi. Phần xỉ thép không chứa kim loại được nghiền và sàng tái chế thành đá nhân tạo ecoslag, có thể thay vật liệu tự nhiên dùng trong xây dựng. Chưa dừng lại, mỗi tấn khói bụi sản xuất thép bán được hàng chục triệu đồng cho doanh nghiệp khác làm chất vi lượng, thay vì phải tốn gần 20 triệu đồng chi phí xử lý như bình thường. 

“Chúng tôi xây dựng được 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp (thép; nhựa; phụ trợ điện - điện tử), công suất tái chế chất thải tuần hoàn đạt 300.000 tấn mỗi năm”, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Shinec (chủ đầu tư  Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), giới thiệu với NCĐT về mô hình cộng sinh công nghiệp. Ông cho biết thêm, nguồn nước thải sau khi thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung nội khu cũng được tái tạo thành nước dùng tưới cây; rửa dụng cụ trong nhà máy; rửa đường; phục vụ phòng cháy, chữa cháy... Nhờ đó, Nam Cầu Kiền tiết kiệm được 600 triệu đồng tiền nước sạch mỗi năm.

Ngoài Nam Cầu Kiền, tại Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng), thay vì được xem là phế liệu và đưa ra bãi rác, bột mài kính sau quá trình sản xuất đã được tái sử dụng một cách sáng tạo. Tại đây, loại bột này được tận dụng để san lấp đường, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác thải kính.

Nói về cộng sinh công nghiệp, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho hay, mô hình này có thể giúp chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả hơn theo nhiều cách. Thứ nhất, sản xuất cộng sinh cho phép các doanh nghiệp trong cùng một khu vực chia sẻ và tái sử dụng tài nguyên, giúp tối ưu hóa tài nguyên. Thứ 2, khi các doanh nghiệp cộng sinh nằm gần nhau, chi phí và thời gian vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm giữa các bên sẽ giảm đáng kể, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm lượng khí thải carbon. Thứ 3, môi trường cộng sinh công nghiệp khuyến khích các công ty hợp tác, chia sẻ công nghệ, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có thể cùng nhau phát triển giải pháp mới để cải thiện hiệu quả sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng.

Tại khu vực châu Á, tiêu biểu có mô hình của Khu công nghiệp Ulsan (Hàn Quốc), các doanh nghiệp tại đây chia sẻ sản phẩm phụ và chất thải để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Ví dụ, khí thải từ nhà máy hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu cho nhà máy khác, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm chi phí. Còn tại Khu công nghiệp Map Ta Phut (Thái Lan), các doanh nghiệp hợp tác để tái sử dụng nước, chất thải. Nước thải sau khi được xử lý, sẽ tái sử dụng cho các quy trình sản xuất khác.

Tại châu Âu, mô hình cộng sinh công nghiệp cũng được tích cực đẩy mạnh. Một ví dụ nổi bật là Khu công nghiệp Kalundborg Symbiosis (Đan Mạch). Ngoài ra, nhiều dự án tiêu biểu khác trên thế giới cũng đang thúc đẩy mô hình cộng sinh như Khu công nghiệp sinh thái Londonderry (Mỹ), Khu sinh thái công nghiệp Taiga Nova (Canada), Công viên CleanTech (Singapore)…

Trong một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về thúc đẩy công nghiệp cộng sinh, Ủy ban này chỉ ra, việc cải thiện tái sử dụng nguyên liệu thô thông qua cộng sinh công nghiệp với quy mô lớn hơn có thể tiết kiệm 1,4 tỉ EUR và tạo ra doanh thu 1,6 tỉ EUR mỗi năm.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Mô hình cộng sinh trong khu công nghiệp sinh thái được các chủ đầu tư đánh giá là có tính cạnh tranh cao và là xu hướng của tương lai. Bằng chứng là trong vòng 3 năm kể từ khi xây dựng, diện tích Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã được thuê lấp đầy. Dẫu vậy, mô hình trên hiện chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong số các khu công nghiệp trên cả nước. Tính đến tháng 5/2024, trong số 299 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, chỉ có khoảng 1-2% khu công nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, trở thành khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, hiện chưa có dữ liệu cụ thể về các mối liên hệ cộng sinh công nghiệp nội khu.

Nguyên nhân được ông Điệp lý giải là do việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái, hay chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản luật. Ông chủ của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho hay, quá trình xây dựng một khu công nghiệp sinh thái liên quan đến rất nhiều luật thuộc các lĩnh vực như quy hoạch, đất đai, bảo vệ môi trường, tài chính, khoáng sản… Do vậy, nếu có thể, nâng cấp Nghị định 35/2022/NĐ-CP thành luật chuyên về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ là động lực quan trọng để phát triển khu công nghiệp sinh thái trong tương lai.

Ông John Campbell, Giám đốc Dịch vụ Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, đánh giá, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn trong triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp. Tuy nhiên, so với các nền kinh tế phát triển hơn, cộng sinh công nghiệp trong nước vẫn còn ở giai đoạn khá sơ khởi. Hiện nay, trọng tâm đầu tư đang đổ dồn vào việc phát triển các khu công nghiệp mới áp dụng công nghệ xanh thay vì tối ưu hóa mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp đang hoạt động trong hệ thống khu công nghiệp hiện hữu. Hơn nữa, bản thân nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về cộng sinh công nghiệp và các tiềm năng mà mô hình này mang lại.

Cũng theo ông, cơ sở hạ tầng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu trao đổi tài nguyên giữa các ngành, gây cản trở cho sự phát triển các mối quan hệ cộng sinh. Cơ chế chia sẻ thông tin vẫn còn thiếu. Chính sách tài chính hỗ trợ ngành tái chế chưa đủ mạnh. Do đó, để thúc đẩy cộng sinh công nghiệp, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp như ưu đãi thuế hoặc trợ cấp cho những doanh nghiệp tham gia vào các dự án cộng sinh công nghiệp. Nhà chức trách cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy trao đổi tài nguyên, chẳng hạn như các hệ thống đường ống cho việc trao đổi năng lượng hoặc chất thải.  

“Việc áp dụng mô hình cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp thu hút các khách thuê là tập đoàn đa quốc gia. Họ lựa chọn khu công nghiệp sinh thái thay vì đối thủ cạnh tranh. Với Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngày càng nhiều nhà sản xuất châu Âu đầu tư vào Việt Nam, những doanh nghiệp này đặt trọng tâm vào tính bền vững. Do đó, khi lựa chọn đối tác bất động sản tại Việt Nam, họ sẽ ưu tiên các khu công nghiệp chú trọng mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông John Campbell cho biết.