Thứ Sáu | 03/01/2014 14:14

Không được kê biên tài sản là nhà ở duy nhất

Theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP: cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền...

Với 5 Chương, 43 Điều, Nghị định 166/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/12

Đảm bảo cho quyết định cưỡng chế được thực hiện trong thực tế

Tại Điều 3 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc áp dụng, trong đó nêu rõ việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền; việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương; người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Các quy định này tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành cưỡng chế thực hiện cưỡng chế đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục và đạt hiệu quả cưỡng chế.

Quy định việc gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan cụ thể hơn rất nhiều so với quy định trước đây: Ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để đảm bảo cho quyết định cưỡng chế sau khi ban hành được thực hiện trong thực tế, Khoản 3 Điều 5 đã quy định rõ thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Cụ thể hóa Điểm b Khoản 3 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế, Điều 7 của Nghị định quy định: Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan Nhà nước khác khi được yêu cầu. Trường hợp có yêu cầu lực lượng Cảnh sát nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi văn bản yêu cầu đến cơ quan Công an cùng cấp 5 ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng…

Thêm đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ lương

So với quy định trước đây, đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập quy định tại Điều 8 của Nghị định này đã được mở rộng hơn, đó là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức; cá nhân đang được hưởng bảo hiểm xã hội.

Điều 9 quy định về xác minh thông tin về tiền lương và thu nhập, theo đó người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân bị cưỡng chế. Quy định này giúp cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có căn cứ áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập.

Quy định về tỷ lệ khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân tại nghị định 166/2013/NĐ-CP rõ ràng và phù hợp hơn, tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế này một cách có hiệu quả hơn.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản theo quy định tại Điều 13 Nghị định này là tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.

Một điểm mới nữa là quy định chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

Hai loại tài sản không được kê biên

Điều 19 Nghị định 166/2013/NĐ-CP đã bổ sung thêm hai loại tài sản không được kê biên là nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú và tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.

Để đảm bảo cho việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản được thuận lợi và có tính khả thi, Nghị định đã bổ sung Điều 20 quy định về xác minh thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế. Theo đó, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xác minh thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt.

Điều 25 quy định về định giá tài sản kê biên đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, cụ thể: Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại nhà của cá nhân hoặc trụ sở của tổ chức bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên, trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá tài sản; tài sản đã kê biên được định giá theo sự thỏa thuận giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung.

Bổ sung biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp

Cụ thể hóa biện pháp cưỡng chế mới được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 28 Nghị định này đã quy định việc cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ được áp dụng khi có đủ các điều kiện: Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế không áp dụng được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2 và 3 Chương II Nghị định này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền phạt, chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế; người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có căn cứ xác định bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.

Điều 29 quy định về xác minh thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ. Theo đó, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xác minh thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế; điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế thu tiền, tài sản do bên thứ ba đang giữ và chứng minh được hành vi cố tình tẩu tán tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế sau khi vi phạm.

Điều 34 đã bổ sung hướng dẫn việc tổ chức thi hành một số biện pháp khắc phục hậu quả mới theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính như biện pháp cưỡng chế buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

Điều 36 quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn thi hành cưỡng chế trong thời gian qua: Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế sau khi đã vận động, giải thích, thuyết phục nhưng không có hiệu quả thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

Về chi phí cưỡng chế, Nghị định 166/2013/NĐ-CP bỏ quy định về miễn giảm chi phí cưỡng chế, đồng thời bổ sung quy định về hoàn trả chi phí cưỡng chế tại Điều 40.

PGS.TS Chử Văn Chí

Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát QLHC (Bộ Công an)

Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp


Sự kiện