Khơi mạch bất động sản công nghiệp
Những thông tin dồn dập đến từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó Việt Nam là một thành viên đã thổi luồng gió mới vào phân khúc bất động sản công nghiệp, nhằm đón đầu làn sóng đổ bộ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Sôi động nhờ TPP
Theo nhận định của Cushman & Wakefied Việt Nam, nước ta đang nhanh chóng trở thành điểm đến công nghiệp hàng đầu trên thế giới, do chi phí nhân công thấp và nằm trong khu vực lưu thông hàng hải huyết mạch giữa châu Âu và châu Mỹ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm đến Việt Nam do tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, tạo điều kiện để hình thành một xu thế bất động sản mới; trong đó bao gồm sự xuất hiện phổ biến của lĩnh vực cho thuê nhà máy, kho bãi. Các đơn vị sản xuất cũng như logistics cũng sẽ chuyển mình nên quỹ đất dành cho hoạt động này đang thực sự cần thiết.
Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Thẩm định giá của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, phân tích: “Nếu chúng ta nhìn vào các thị trường mới nổi trong khu vực như Indonesia, Philippines và Thái Lan thì Việt Nam đã nhận được 17% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào bất động sản. Indonesia chỉ nhận được 10% do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Philippines và Thái Lan có tỷ lệ lần lượt là 29% và 45%. Tôi tin rằng, Việt Nam vẫn là thị trường rất tiềm năng để đầu tư và tỷ lệ thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực này sẽ được cải thiện trong thời gian không xa”.
Để phân khúc bất động sản công nghiệp thực sự thu hút đầu tư thì còn nhiều điểm nghẽn phải khơi thông
Điều này cho thấy, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, nhiều doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới đã ồ ạt chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam mà trước hết là TP.HCM – trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển rất sôi động. Các chuyên gia bất động sản nhận định, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang chuyển hướng đầu tư rời khỏi Trung Quốc và cân nhắc một địa điểm đầu tư mới trong đó có Việt Nam. Nếu như trước đây các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào bất động sản chủ yếu lựa chọn Indonesia hay Malaysia, thì đến nay họ đã để ý thêm Việt Nam. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, cùng với chính sách mở cho bất động sản đã khiến cơ hội phát triển loại hình này cũng rõ ràng hơn.
Những màn khởi động ấn tượng
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đang có sự “bùng nổ” các khu công nghiệp với 87 dự án mới đang trong giai đoạn xây dựng, tương đương khoảng 41% số khu công nghiệp hiện hữu (212 khu công nghiệp với tổng diện tích 60.000 ha). “Siêu” dự án bất động sản công nghiệp của Becamex đã được khởi công xây dựng trước khi thông tin về vòng đàm phán cuối cùng của TPP được công bố vài tuần. Đó là Dự án Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex – Bình Phước với quy mô hơn 4.633 ha, tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án Khu công nghệ môi trường xanh cũng đã được UBND tỉnh Long An cấp phép cho triển khai với tổng vốn giai đoạn I là 450 triệu USD (khoảng 9.900 tỷ đồng).
Không chỉ các doanh nghiệp nội địa tận dụng quỹ đất của mình, các nhà đầu tư nước ngoài có thâm niên hoạt động ở Việt Nam cũng nhanh chóng vào cuộc. Đáng kể nhất là dự án khu công nghiệp rộng 410 ha, trị giá 282 triệu USD tại Long Thành (Đồng Nai), do Tập đoàn Amata (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Trước đó, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long III (Vĩnh Phúc) với quy mô gần 300 ha, vốn đầu tư dự kiến 135 triệu USD. Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc phát triển các khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng và căn hộ tại Việt Nam trong thời gian tới…
Điều đặc biệt là ngoài những đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp thì các doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở thương mại cũng bắt đầu lấn sân qua phân khúc bất động sản công nghiệp. Diễn biến mới nhất trên thị trường bất động sản TP.HCM là việc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã CK: KDH) đã hoàn tất vụ thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (mã CK: BCI) chỉ trong thời gian ngắn, khiến dư luận khá bất ngờ.
Tuy nhiên, giới thạo tin cho hay, quỹ đất lớn của BCI là miếng mồi ngon với KDH. Cũng phải nói thêm, KDH đang có tham vọng mở rộng quỹ đất để có thể gia tăng các dự án trong thời gian tới. Và khi trở thành cổ đông lớn nhất của BCI, KDH có điều kiện thuận lợi nhất để hưởng lợi từ quỹ đất lớn tại khu vực Tây Nam TP.HCM của BCI, trong đó có Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân, để mở rộng danh mục đầu tư.
Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp