Theo ước tính, sẽ có khoảng 40.000 tỉ đồng được 'chảy' vào thị trường bất động sản. Ảnh: TL.

 
Kim Anh Thứ Hai | 19/12/2022 07:00

Khoảng 40.000 tỉ đồng có thể chảy vào bất động sản

Giả định là lượng vốn tín dụng bình quân hiện nay vẫn dành khoảng 20% cho thị trường bất động sản.

Đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo ước tính, sẽ có khoảng hơn 200 ngàn tỉ đồng sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đối tượng Ngân hàng Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, phụ tùng thay thế, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hướng dòng vốn vào lĩnh vực đó.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. Ảnh: NCĐT
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. Ảnh: NCĐT

Đối với riêng lĩnh vực bất động sản, theo ước tính của các chuyên gia sẽ có khoảng 40.000 tỉ đồng được chảy vào lĩnh vực này. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, chúng ta cứ giả định là lượng vốn tín dụng bình quân hiện nay vẫn dành khoảng 20% cho thị trường bất động sản. Nếu như theo số liệu đó thì khoảng 40.000 tỉ đồng, trong số 200.000 tỉ đồng tăng thêm sẽ có thể dành cho thị trường bất động sản. Tiến sĩ Cấn Văn Lực đánh giá, đây là một khối lượng tiền cũng rất lớn. Bởi lẽ năm 2013, thời điểm đó chúng ta đã có một gói giải cứu bất động sản chỉ có 30.000 tỉ đồng thì thị trường nó bắt đầu bứt phá.

Còn theo PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng - Học viện Ngân hàng, việc mà nới room tín dụng thêm 1,5-2% là tín dụng chung của nền kinh tế, bao gồm có cả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng và cả thị trường bất động sản. 

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng chúng ta cũng có thể lạc quan một chút, nhưng mà mọi thứ vẫn phải đáp ứng theo đúng yêu cầu của thị trường.  Ảnh chụp màn hình.
PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng chúng ta cũng có thể lạc quan một chút, nhưng mà mọi thứ vẫn phải đáp ứng theo đúng yêu cầu của thị trường. Ảnh chụp màn hình.

Thông thường, tín dụng bất động sản chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, và như vậy việc nới room đó thì chúng ta cũng có thể hình dung một cách rất đơn giản là cũng sẽ có 20% phần tín dụng tăng thêm có thể chảy vào thị trường bất động sản. Hay nói cách khác, ở đây các ngân hàng thương mại sẽ sẵn sàng giải ngân đối với những dự án bất động sản tốt, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về mặt pháp lý. Và đặc biệt ở đây là đúng theo yêu cầu của Thủ tướng là sẽ phải đầu tư vào những dự án bất động sản trong các lĩnh vực như cho vay nhà ở xã hội hoặc là cho vay nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp hoặc là đối với những dự án thương mại có giá trị hợp lý. 

Theo PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, điều đó có nghĩa là tại thời điểm hiện nay thì  phía bên cung, tức là phía bên cung tín dụng là các ngân hàng thương mại đã sẵn sàng có thể đáp ứng giải ngân. Nhưng điều kiện từ phía bên cầu, tức là bên muốn vay họ phải đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực vay vốn, thậm chí, họ còn phải có vốn đối ứng mới được vay. Ngoài ra, đó phải là những dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng thì hai bên mới có thể khớp nối với nhau được. 

Do đó, đối với động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng chúng ta cũng có thể lạc quan một chút, nhưng mà mọi thứ vẫn phải đáp ứng theo đúng yêu cầu của thị trường. 

Có thể bạn quan tâm 

Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản