Các dự án nhà giá rẻ dành cho người trẻ an cư lập nghiệp. Ảnh: Quý Hòa
Khó cho thế hệ Y “xây nhà”
Dù vậy, tỉ lệ sở hữu nhà ở thực sự của lớp dân số này tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại tại các thành phố lớn như TP.HCM.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt với vấn đề khá hóc búa tương tự. Lý do là sau khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều chính sách siết chặt lại tín dụng cho người mua nhà đã được ban hành, làm ảnh hưởng đến khả năng mua nhà của người có thu nhập thấp, đặc biệt khi không nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ bố mẹ. Theo thống kê của Savills, ngay tại Úc, tỉ lệ người sở hữu nhà ở độ tuổi 25-34 đã giảm từ mức 58% năm 1986 xuống chỉ còn 45%. Ở Mỹ, tỉ lệ giảm từ 39% năm 1995 xuống còn 31% sau khủng hoảng, trong khi ở Anh hiện chỉ có 5% người sở hữu nhà là dưới 35 tuổi.
Ở Việt Nam, theo cuộc khảo sát về dân số và nhà ở năm 2014, tỉ lệ sở hữu nhà của người dân lên đến 90,8%. Nhưng theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh bộ phận nhà ở của Savills Hà Nội, tỉ lệ cao như thế đa phần là kết quả từ sự thừa hưởng gia tài hay nhận được sự hỗ trợ đáng kể tài chính từ cha mẹ. “Nếu không có sự giúp đỡ ấy, tỉ lệ người dưới 35 tuổi sở hữu được một căn nhà riêng là một thách thức”, ông Hiển nhận định.
Ngoài các gia đình trẻ, nhu cầu người trẻ muốn ra ở riêng ngay cả khi chưa lập gia đình ngày càng nhiều. Tại các nước phương Tây hay châu Á như Nhật, Hàn Quốc... việc thanh niên trên 18 tuổi sống tự lập rất phổ biến. Ở Việt Nam, xu hướng này còn khá mới mẻ nhưng là điều sẽ diễn ra.
Ổn định an cư cho thế hệ Y được xem là điều cần thiết, bởi đây là lực lượng lao động chủ chốt cho nền kinh tế trong 20-30 năm nữa. Giá nhà ngày càng vượt quá tầm với của nhiều người trẻ trong khi thiếu một cơ chế hỗ trợ tài chính (như gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng trước đây) có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định sinh sống và làm việc lâu dài tại các đô thị lớn của họ. “Nhiều người thuộc thế hệ Y đang trì hoãn các quyết định về cuộc sống như lập gia đình hay sinh con”, Savills nhận định.
Thị trường bất động sản phục hồi đáng kể từ năm 2014 bổ sung một lượng đáng kể về nhà ở, giải phần nào cơn khát về nhà ở cho một lượng lớn người tiêu dùng. Dù vậy, thị trường đã bị lệch pha đáng kể khi nhiều chủ đầu tư, một phần vì áp lực lợi nhuận từ các cổ đông, đã phân bố nguồn lực quá lớn vào phân khúc cao cấp đến hạng sang - nơi mà chỉ những người khá giả mới có đủ khả năng sở hữu.
Chính sách cho người nước ngoài được sở hữu với thời hạn 50 năm cũng giúp mặt bằng giá nhà cải thiện đáng kể khi ngày càng nhiều người nước ngoài quan tâm đến bất động sản Việt. Lớp khách hàng mới này đã bổ sung thêm một lượng cầu cho thị trường nhưng bù lại, đã đẩy một tỉ lệ không nhỏ người bản địa ra khỏi giấc mơ sở hữu nhà ở khi số tiền tiết kiệm trong túi vẫn còn khiêm tốn.
“Phải thừa nhận là đang có một khoảng cách giữa thu nhập của người trẻ và giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Một căn hộ trung cấp ở Hà Nội có giá 32-45 triệu đồng/m2, tức gần với mức trung bình của các thị trường phát triển trong khi thu nhập của Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa”, ông Hiển, Savills, nhận định.
Khó khăn lớn nhất là phải tích lũy đủ số tiền tối thiểu (chiếm 30% giá trị căn hộ) để mua. Đa phần khách hàng tự xoay xở khoản này, phần còn lại họ thường phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, nếu vay tiền mua nhà trong giai đoạn lãi suất cao như hiện nay, số tiền phải trả cho ngân hàng vượt quá thu nhập của họ.
Nhưng một số tín hiệu lạc quan đang xuất hiện khi thị trường bắt đầu có những chuyển dịch đáng kể về cơ cấu sản phẩm, mang đến những lựa chọn có giá mềm hơn cho thế hệ Y trong thời gian tới. Vingroup, chẳng hạn, chuẩn bị giới thiệu dòng sản phẩm thương mại giá rẻ Vincity có giá từ 700 triệu đồng/căn. Tập đoàn Nam Long hợp tác với các nhà đầu tư đến từ Nhật phát triển hàng ngàn căn hộ vừa túi tiền ở các khu vực vùng ven. Hay như LDG Group giới thiệu dòng sản phẩm trung cấp (giá khoảng 1 tỉ đồng) hướng đến nhu cầu ở thực tại khu Tây thành phố.
Trong quý I/2018, phân khúc trung cấp chiếm đến 75% tổng lượng căn hộ mở bán tại TP.HCM. Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp là 34 triệu đồng/m2, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2017 do nguồn cung phân khúc trung cấp tăng mạnh. Xu thế này được kỳ vọng sẽ tiếp tục cho đến cuối năm.
Nhưng việc giải cơn khát nhà ở cho thế hệ Y sẽ cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước cần miễn giảm, hoặc chưa thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án đầu tư nhà ở thương mại giá rẻ.
Đồng thời, nên cân nhắc cho phép triển khai dòng sản phẩm thương mại có diện tích nhỏ. “Có thể cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại diện tích dưới 45m2, với tỉ lệ không quá 25% số căn hộ của tòa nhà chung cư tại một số quận ven và các huyện ngoại thành. Đây là tiền đề để tạo điều kiện xây dựng được căn hộ nhỏ có giá bán từ 300-500 triệu đồng/căn, hoặc cho thuê giá rẻ”, ông Lê Hoàng Châu nói