Thứ Hai | 27/06/2016 13:00

Khi đất vàng vào tay nhà đầu tư ngoại

Năm nay, TP.HCM đã lên kế hoạch bán đấu giá 23 lô đất vàng, nhưng số công ty nội đủ sức cạnh tranh với khối ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay

Sau ngành bán lẻ, các khu đất vàng ở trung tâm TP.HCM đang trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại. Mới đây, Tập đoàn Mapletree của Singapore thêm một lần nữa khiến thị trường ngạc nhiên khi chi ra đến gần 215 triệu USD để thâu tóm 100% vốn sở hữu tòa nhà Kumho Asiana Plaza. Tòa nhà này trước đó thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Hàn Quốc là Kumho Industrial Company và Asiana Airlines (mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần).

Trước đó, nhà đầu tư này đã thực hiện các thương vụ thâu tóm tòa nhà văn phòng hạng A là Centre Point nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) khá đình đám vào năm 2013 (giá khoảng 54 triệu USD), hợp tác với Saigon Co.op phát triển Trung tâm thương mại Vico City tại quận 7. Qua đó cho thấy Mapletree tiếp tục đặt niềm tin lớn vào tiềm năng thị trường địa ốc Việt Nam.

Tổng tài sản tại Việt Nam mà Mapletree quản lý hiện đã lên đến hơn 730 triệu USD. Chưa dừng lại, lãnh đạo của tập đoàn Singapore này cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mua lại các dự án bất động sản đã hoàn thành và có thể mang lại doanh thu ngay lập tức tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Tập đoàn cũng sẽ tự đầu tư các dự án mới trong các phân khúc văn phòng, bán lẻ, nhà ở và nhà thương mại, cũng như các khu phức hợp.

Kế bên Kumho Asiana Plaza, một tòa nhà văn phòng bề thế khác đang dần mọc lên cũng thuộc khối ngoại là Ngôi nhà Đức với tổng diện tích văn phòng cung cấp cho thị trường lên đến 30.000 m2. Trước đó, một tòa nhà khác trên đường Lê Duẩn là Diamond Plaza đã thuộc về Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, tòa nhà Saigon Tower thuộc về Tập đoàn Daibiru Nhật. Đi một chút về phía Nam, tòa nhà văn phòng AB Tower trên đường Lê Lai mới đây cũng thuộc về tay các nhà đầu tư Nhật với giá trị thâu tóm khoảng 47 triệu USD (mua 70% cổ phần).

Nhưng cơ hội cho các nhà đầu ngoại sở hữu dự án tốt tại khu vực trung tâm có thể sẽ còn lớn hơn nữa khi chính sách đang mở rộng cửa hơn cho các nhà đầu tư ngoại. Trong năm nay, TP.HCM đã lên kế hoạch bán đấu giá 23 lô đất vàng trên địa bàn. Tổng diện tích của những dự án này lên đến 137.700 m2 nhưng tiến độ các phiên đấu giá này khá chậm khi chưa diễn ra bất kỳ đợt chào bán nào trong nửa đầu năm nay.

Khi dat vang vao tay nha dau tu ngoai
Đến tháng 2.2016, bất động sản tại TP.HCM tiếp tục là lĩnh vực đầu tư ưa thích nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 14 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 35% - Ảnh: 15s.vn

Năm 2015, TP.HCM ghi nhận thương vụ thất bại khi đấu giá mảnh đất vàng 3.000 m2 trên nền đất của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM tại 23 Lê Duẩn khi người thắng cuộc là Tân Hoàng Minh đã từ chối chi trả số tiền kỷ lục 1.430 tỉ đồng. Sự thận trọng hơn của Ủy ban Nhân dân Thành phố sau sự kiện này có lẽ là điều dễ hiểu, dù thông tin bên lề cho thấy đã có nhiều công ty trong nước để mắt tới lô đất 23 Lê Duẩn.

Đó cũng sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại nếu họ thật sự quan tâm đến tiềm năng các khu đất ở trung tâm. Điển hình là sau nhiều lần sang tên đổi chủ, mảnh đất nằm tại góc đường Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Học đã chính thức thuộc về liên doanh Hàn Quốc của Công ty Xây dựng Jimiro. Theo thiết kế, trên nền đất này sẽ phát triển một dự án lớn có giá trị 500 triệu USD gồm tòa nhà văn phòng cao 55 tầng, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại.

Hay trong cuộc gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng mới đây, phái đoàn các nhà đầu tư Mỹ do ông Jonathan Hạnh Nguyễn dẫn đầu đã công bố thông tin về dự án trị giá 4 tỉ USD tại Thủ Thêm. Dự án có tổng diện tích đất 11 ha, đa chức năng gồm một tòa tháp cao tầng, khu trung tâm thương mại, văn phòng… và đã đệ trình lên xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Dự án hứa hẹn sẽ góp thêm một nét chấm phá đặc sắc vào khu đô thị mới quận 2.

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường địa ốc ngày càng mở cửa hơn cho các doanh nghiệp ngoại, việc tham gia của dòng vốn bên ngoài nói trên giúp tiếp thêm nguồn lực cho quá trình phục hồi của thị trường, cũng như giúp cải thiện mỹ quan cho bộ mặt Thành phố với những công trình tầm cỡ, mang dáng vóc khu vực. Nhưng sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng sẽ tăng lên. Rõ ràng, khi đặt lên bàn cân so sánh, các công ty trong nước có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay như Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Novaland hay Bitexco.

Việc đầu tư vào dự án quy mô lớn thật sự không phải dễ dàng, bởi không những đòi hỏi sức mạnh tài chính, kinh nghiệm vận hành và quản lý, mà chủ đầu tư còn phải có khả năng chịu đựng rủi ro do thời gian thu hồi vốn khá dài. Nhưng đó lại là điểm mạnh của khối ngoại. Cuộc chiến thâu tóm các khu đất vàng vì thế sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới. Thống kê tính đến tháng 2.2016, bất động sản tại TP.HCM tiếp tục là lĩnh vực đầu tư ưa thích nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 14 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 35%. Theo sau là lĩnh vực công nghiệp chế biến với 12 tỉ USD, tiếp sau là giáo dục với 3,7 tỉ USD.

Sơn Thanh