Đây không phải là lần đầu tiên dòng vốn từ phía Bắc sôi động.

 
Sơn Nguyễn Thứ Ba | 20/09/2022 07:30

Khẩu vị lạ của người mua nhà phía Bắc

Ngày càng nhiều chủ đầu tư phía Nam xem trọng chiến lược Bắc tiến.

Novaland mới đây chính thức khai trương trụ sở sàn giao dịch ở 25 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đồng thời giới thiệu cơ hội đầu tư vào các dự án trọng điểm như The Grand Manhattan (TP.HCM), Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram và NovaWorld Phan Thiet. Một chủ đầu tư khác ở phía Nam là Masterise Group cũng nhắm đến khách mua miền Bắc đối với một số dự án cao cấp và hạng sang ở TP.HCM. Hay Nam Group trong năm nay lên kế hoạch đẩy mạnh Bắc tiến sau khi ghi nhận khoảng 30% khách đặt mua các dự án ở Bình Thuận, Phú Quốc bay từ Hà Nội vào.

 

Làn sóng đẩy mạnh khai thác dòng vốn đầu tư từ phía Bắc còn có Vingroup, Phú Mỹ Hưng, Nam Long, Đất Xanh và gần đây là Tập đoàn Danh Khôi thông qua hình thức mở rộng quỹ đất hay lập kênh phân phối. Báo cáo đầu năm nay của batdongsan.com.vn cho thấy dòng vốn của nhà đầu tư đang có xu thế dịch chuyển từ miền Bắc vào các khu vực khác, như TP.HCM và miền Trung. “Dòng tiền lớn chủ yếu từ các nhà đầu tư miền Bắc. Họ đã "quần thảo" khu vực miền Bắc 2 năm vừa rồi. Mặt bằng giá đã khá cao và giờ họ "quần thảo" tiếp khu vực miền Trung”, báo cáo của batdongsan.com.vn ghi nhận.

Bình Thuận, chẳng hạn, có mức độ quan tâm tăng đến 44%, giá rao bán tăng 13%. Thị trường này có thông tin nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển Phan Thiết, Mũi Né được triển khai. Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng như sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là động lực thúc đẩy nhà đầu tư phía Bắc mạnh dạn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án du lịch - nghỉ dưỡng ở Bình Thuận.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên dòng vốn từ phía Bắc sôi động. Nhìn lại thị trường Phú Quốc cách đây 5-7 năm, có tới 80% nguồn khách các dự án ở Đảo Ngọc đến từ Hà Nội, trong khi nguồn khách từ TP.HCM chỉ chiếm khoảng 15% (theo Savills). Một số dự án ở trung tâm TP.HCM cũng chứng kiến lượng lớn người mua đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc, thậm chí nhóm khách này thường mua sỉ dự án, không ngại vấn đề giá cao mà thường chỉ tập trung quan tâm đến vị trí, tiềm năng của dự án.

 

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, cho biết từ xưa tới nay nhà đầu tư cá nhân đến từ miền Bắc luôn là đối tượng khách hàng chủ chốt tại các dự án nhà ở bán tại miền Nam, đặc biệt là các dự án thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang.

Theo thống kê của CBRE, khách hàng đến từ miền Bắc chiếm tới 50% số lượng khách hàng mua tại các dự án căn hộ cao cấp ở TP.HCM và chiếm tới 30-40% tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng bán tại khu vực Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Mũi né, Phan Thiết. “Thị trường miền Nam thu hút dòng tiền đầu tư của miền Bắc do thị trường trong khu vực miền Nam có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, đa dạng về hình thức và giá cả, tạo ra nhiều lựa chọn cho khách hàng, lợi nhuận từ việc bán lại hay cho thuê cũng hấp dẫn hơn các thị trường khác. Tính thanh khoản cao và thị trường miền Nam, đặc biệt các thành phố lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thu hút nhiều người dân từ khu vực phía Bắc vào lập nghiệp, dòng tiền đầu tư do đó cũng theo dòng lao động lập nghiệp đổ vào miền Nam”, bà Dung nhận định.

Khí hậu mát mẻ, ấm áp, nhiều bãi biển đẹp đi cùng với các dự án hạ tầng lớn như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam là động lực để khách tìm đến các thị trường tiềm năng ở phía Nam. Ở đó, các chủ đầu tư uy tín, làm ăn bài bản và có lợi thế về phát triển quỹ đất, quy hoạch, xin giấy phép xây dựng nhanh thường được những vị khách đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... ưu tiên lựa chọn.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư này còn xuất phát từ nhu cầu phân tán rủi ro của một bộ phận người sở hữu nhiều tiền. Đối với họ, việc đầu tư bất động sản là một lựa chọn và đầu tư bất động sản như ở TP.HCM là một phương án phân tán rủi ro hiệu quả nhất.

Vậy so với khách người miền Nam, khẩu vị mua nhà và đầu tư bất động sản của người miền Bắc có gì khác biệt? Theo trải nghiệm từ thực tiễn của CBRE, sự khác biệt rõ nhất giữa nhà đầu tư miền Bắc và miền Nam khi đầu tư vào các dự án trong Nam là họ sẵn sàng chọn lựa dự án ở xa trung tâm thành phố để đầu tư miễn là các vị trí đó có khả năng sinh lời tốt, vì bản thân họ đã là nhà đầu tư “đánh bắt xa bờ”. “Còn nhà đầu tư miền Nam thường có xu hướng tìm sản phẩm ở gần trước, nếu không có, họ mới tìm sản phẩm ở xa. Nhà đầu tư miền Bắc thường hướng tới dòng sản phẩm cao cấp có chất lượng tốt, do các sản phẩm này không có nhiều lựa chọn ở khu vực phía Bắc trong khi trong Nam lại có nhiều. Họ thường là những nhà đầu tư dài hạn, với mục đích vừa mua để đầu tư vừa để tích lũy tài sản”, bà Dương Thùy Dung nói