Ảnh: vnmedia.
Khát vốn, doanh nghiệp bất động sản đua phát hành trái phiếu
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong nửa đầu năm nay vào khoảng 9,5 - 11%/năm, trong đó gần 90% khối lượng trái phiếu phát hành có lãi suất dưới 11%/năm. Một số đợt phát hành với lãi suất 13 - 14%/năm và chỉ một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 14,5%/năm.
Ghi nhận cho thấy hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất neo cao. Cụ thể như Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) phát hành tổng cộng 850 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp qua ba lần với mức lãi suất lần lượt là 14,5%, 12% và 10,5%. Công ty cổ phần Ðầu tư Văn Phú - Invest (VPI) cũng mới phát hành 8.000 trái phiếu với tổng trị giá 800 tỷ đồng, lãi đầu tiên áp ở mức 12%/năm.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 116.765 tỉ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 14% với 15.981 tỉ đồng. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong nửa đầu năm nay vào khoảng 9,5 - 11%/năm, trong đó gần 90% khối lượng trái phiếu phát hành có lãi suất dưới 11%/năm. Một số đợt phát hành với lãi suất 13 - 14%/năm và chỉ một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 14,5%/năm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang khát vốn bởi nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản đang bị siết lại theo chính sách của Nhà nước, theo đó, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống chỉ còn 40% từ đầu năm 2019 và theo lộ trình sẽ còn tiếp tục giảm xuống 35%, 30%. Khi kênh cung ứng vốn nhiều nhất gắp khó khăn thì các doanh nghiệp bất động sản buộc phải chuyển sang kênh huy động khác là phát hành trái phiếu. Và trong bối cảnh nhiều doanh cạnh tranh nhau huy động vốn thì cuộc đua lãi suất trái phiếu ngày càng tăng là điều tất yếu để các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn cần thiết của mình. Còn với nhà đầu tư thì lãi suất trái phiếu như hiện nay là cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Vì thế lãi suất càng cao thì mức sinh lời cũng cao hơn cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho biết thêm, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với lãi suất cao cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua trái phiếu. Bởi hiện nay trên thị trường còn thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín để đánh giá tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành và cũng chưa có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, nhà đầu tư khi mua trái phiếu các doanh nghiệp này thường chỉ nắm bắt được thông tin qua những báo cáo được công bố chứ chưa có kênh tham khảo độc lập để nắm bắt được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dòng tiền của doanh nghiệp như thế nào, doanh nghiệp đang lời hay lỗ... Vì thế, rủi ro với nhà đầu tư khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh… thì nhà đầu tư khó có thể được trả lãi, thậm chí là hoàn vốn.
Theo ông Trương Hiền Phương – Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS thì hiện nay, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu về mặt tích cực giúp các doanh nghiệp bất động sản đa dạng hóa kênh dẫn vốn, giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế lên hệ thống tài chính ngân hàng. Nhà đầu tư cũng đa dạng hóa kênh đầu tư bên cạnh các kênh truyền thống trước nay như tiết kiệm, đầu tư vàng, cổ phiếu…
Tuy nhiên, nếu cuộc đua lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục tăng cao thì rủi ro cũng sẽ tăng theo không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho cả các doanh nghiệp phát hành bởi khi phát hành với lãi suất quá cao thì áp lực trả nợ cũng tăng theo, gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Ông cũng cho biết thêm hình thức phát hành trái phiếu cũng tương đối dễ dàng, và thông tin đưa ra cho nhà đầu tư tham khảo cũng chỉ do các doanh nghiệp phát hành cung cấp. Vì thế nhà đầu tư khi tham khảo thông tin cũng chỉ có 1 kênh duy nhất, vì thế hầu như chỉ là thông tin 1 chiều, do đó, độ tin cậy không cao. Nguyên tắc huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp là doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Do đó, trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần đánh giá năng lực tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Bởi khi rủi ro xảy ra, người gánh chịu là nhà đầu tư trong khi hiện nay cơ chế bảo vệ cho nhà đầu tư vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.
Thực tế, một trong những người mua trái phiếu doanh nghiệp chính là các ngân hàng. Mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại trong nước về việc yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác quản lý về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.