Ảnh: vtv.vn

 
Hà Linh Thứ Tư | 12/02/2020 18:25

Khách sạn vắng khách, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

Trong thời điểm này, các khách sạn không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả đều nhiều khoản khác như điện, nước, lương nhân viên… và lãi suất ngân hàng.

Lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm mạnh, kéo theo các dịch vụ như khách sạn, homestay gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều khách sạn còn thiệt hại rất lớn và dự kiến còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Tổng cục thống kê dự báo, hết quý I/2020, lượng khách quốc tế đến Việt nam sẽ đạt khoảng 644.000 lượt, giảm khoảng 800.000 lượt khách so với khi không có dịch bệnh xảy ra. Với mức chi bình quân khoảng khoảng 743,6 USD - 1.141,5 USD/khách. Các khoản chi này gồm thuê phòng, ăn uống, đi lại, tham quan, mua hàng hóa, vui chơi giải trí, y tế và chi khác. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I/2020, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ USD.

Chia sẻ với báo chí, ông Dương Thanh Phương, Giám đốc điều hành khách sạn VesNa (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, kể từ khi tỉnh Khánh Hòa công bố dịch virus Corona, hàng loạt các hợp đồng đặt phòng lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn đã bị hủy, tác động lớn tới doanh thu, hoạt động của các khách sạn. Nếu tình trạng này kéo dài, thì nhiều khách sạn sẽ gặp khó khăn do không có đủ nguồn lực để duy trì.

 

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết, dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra khiến ngành du lịch Khánh Hòa ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2019, lượng du khách Trung Quốc chiếm tới hơn 70% tổng lượt khách quốc tế. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, công suất buồng phòng của nhiều khách sạn chỉ đạt dưới 20%, thậm chí nhiều khách sạn còn rơi vào cảnh bỏ trống.

Dẫn ví dụ thực tế, ông Vinh cho biết hiện ông có 2 khách sạn một khách sạn 61 phòng nhưng giờ chỉ có 6 phòng hoạt động và một khách sạn 350 phòng hiện chỉ hoạt động 60-70 phòng nên rất nan giải.

Cũng theo ông Vinh, một doanh nghiệp khác sở hữu 2 khách sạn, 3 du thuyền, 1 tháng thu nhập hàng chục tỷ đồng, nhưng giờ không có nguồn thu. Nhiều doanh nghiệp phải vay vốn, do đó nếu mất khách, doanh nghiệp sẽ không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng, điện, nước, lương nhân viên… "Nếu trong 2 - 3 tháng tới thị trường phục hồi nguồn khách thì các doanh nghiệp có thể cầm cự nổi nhưng kéo dài đến 6 tháng chắc chắn tình trạng phá sản của doanh nghiệp du lịch sẽ tăng cao”, ông Vinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, các dự án đang xây dựng dở cũng gặp khó khăn khi không bán được hàng, nhà đầu tư bỏ cọc. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư đang phải vay ngân hàng. Nếu không có chính sách hỗ trợ như giảm lãi, lùi thời hạn trả nợ thì nhiều chủ đầu tư sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng đại diện phía nam, Hiệp hội Môi giới bất động sản TP.HCM, nhận định trong ngắn hạn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ gặp nhiều khó khăn khi không chỉ khách Trung Quốc mà châu Âu, Mỹ cũng hạn chế di chuyển đến các nước. Cùng với đó, nhiều căn hộ condotel đang được hoàn thiện và đưa ra thị trường. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với các dự án đã và đang hoạt động.

“Sau đại dịch, khách du lịch sẽ tiếp tục suy giảm do đây là giai đoạn hồi phục. Do đó, năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Hùng bày tỏ.

►Khách sạn đóng cửa, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục gặp khó trong năm 2020

Khó lướt sóng “ăn chênh”, căn hộ chung cư hết hấp dẫn với giới đầu tư?

Nhà giá rẻ “tuyệt chủng”, nhà ở thương mại 25 m2 hút khách?