Khách sạn trong điểm nóng M&A
Sự cộng hưởng giữa tăng trưởng trong ngành du lịch và làn sóng đầu tư vào Việt Nam đã tạo nên động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ khách sạn đạt kỷ lục mới về doanh thu là 15 tỉ USD. Con số này cũng tạo nên sức hút cho làn sóng đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực khách sạn.
Đón 10 triệu khách
Trong năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đã đón tiếp 10 triệu khách du lịch, tăng 26% so với năm 2015. Ngành du lịch đóng góp 6,6% cho GDP và hướng đến mục tiêu năm 2017 sẽ đạt tỉ lệ đóng góp trực tiếp cho GDP là 10%. Đáng chú ý, cùng với xu hướng gia tăng khách du lịch quốc tế, nhân sự từ các công ty đa quốc gia tới Việt Nam làm việc gia tăng cũng trở thành động lực tăng trưởng của các khách sạn tại Việt Nam.
Nhóm du khách theo tour đến Việt Nam đang sử dụng dịch vụ khách sạn theo phân khúc 4-5 sao. Sự tăng trưởng du khách quốc tế đột biến ở mức kỷ lục trong năm qua đã làm cho phân khúc này trở nên sôi động hơn. Nhiều chuyên gia dự đoán với những sự kiện văn hóa, xã hội lớn sắp diễn ra trong thời gian tới như Lễ hội pháo hoa, Hội nghị Thượng đỉnh APEC... sẽ có thể dẫn đến tình trạng cháy phòng. Tuy nhiên, trái ngược với sự hoạt động sôi nổi của phân khúc tầm trung và cao cấp, đó chính là sự ảm đạm của phân khúc bình dân, phân khúc thấp. Xu hướng phân cực rõ rệt diễn ra do việc đầu tư thiếu kế hoạch dẫn đến tình trạng phân khúc này hoạt động không hiệu quả, nhiều dự án phải bán.
Hiện nay, Việt Nam được coi là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực bởi nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khả quan, ngành du lịch đang có nhiều chính sách kích cầu. Đặc biệt, theo các chuyên gia, hoạt động của các khách sạn hạng sang có xu hướng tăng trưởng tích cực nên hấp dẫn nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ vốn đầu tư mạnh vào ngành này thông qua các thương vụ M&A.
Theo CBRE, năm 2016, chỉ số giá phòng và doanh thu phòng khách sạn tại Việt Nam bình quân đều tăng. Công suất thuê phòng khách sạn ở Hà Nội đạt 75% và TP.HCM đạt 65%. Công suất phòng tại Hà Nội đã cạnh tranh vị trí đầu bảng với Bangkok của Thái Lan. Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý IV/2016, nguồn cung khách sạn tại Đà Nẵng vào khoảng 9.030 phòng, tăng 5% theo quý với việc 4 khách sạn 3 và 4 sao được xếp hạng chính thức và tăng 19% theo năm. Mặc dù tăng nguồn cung, nhưng công suất thuê phòng trung bình vẫn tăng 4 điểm phần trăm theo năm. Dự báo trong năm 2017, Đà Nẵng sẽ chứng kiến khoảng 9 khách sạn 4-5 sao ra đời, cung cấp khoảng 2.200 phòng ra thị trường.
Điểm nóng Đông Nam Á
Trong khi đó, theo Grant Thornton, ngày càng có nhiều khách sạn 4 sao đưa vào thị trường Việt Nam cho thấy nguồn cung không chỉ bứt phá về lượng mà còn tăng trưởng tốt về chất. Các thương hiệu khách sạn quốc tế mới tạo thêm nguồn lực lớn cho thị trường này. Giới đầu tư nhắm đến các dự án có vị trí đắc địa, đã hoàn thiện và đang đi vào vận hành khai thác, có thể mang lại dòng tiền ngay. Xu hướng này dẫn đến các thương vụ M&A lớn.
Chẳng hạn, Tập đoàn Dịch vụ Khách sạn JLL đã thống kê hàng loạt thương vụ M&A khách sạn trong năm 2016, đáng kể như thương vụ đình đám Tập đoàn Mapletree mua lại tổ hợp Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Hàn Quốc Kumho Industrial và Asiana Airlines với tổng giá trị chuyển nhượng khoảng 215 triệu USD. Hay Low Heng Huat chuyển nhượng khách sạn Duxton Hotel Saigon cho New Life RE với giá 49,4 triệu USD...
JLL cũng dự báo trong năm 2017, thị trường khách sạn sẽ còn nhiều thương vụ M&A quy mô lớn. Mặt khác, giai đoạn 2016-2030, thống kê có khoảng 200 dự án đầu tư du lịch biển được cấp phép nên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể với những cuộc đổ bộ của các thương hiệu khách sạn quốc tế.
Chẳng hạn, mới đây, nhiều thương hiệu khách sạn, du lịch lớn của Nhật tham gia thị trường Việt Nam như Rounte Inn Group, Super Hotel, Kuretakeso, Azumaya Hotel... với hàng loạt dự án là các chuỗi hệ thống khách sạn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Huế hay Hilton, Accor, Wyndham... Đáng chú ý, trong giai đoạn năm 2016-2019, Tập đoàn Starwood dự kiến sẽ mở 6 khu nghỉ dưỡng, khách sạn mới ở Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật quan tâm thị trường Việt Nam nhằm đón đầu sự mở rộng của thị trường du lịch tại đây, nhất là việc thu hút nhóm du khách từ Đông Nam Á.
Trong tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Route Inn Group của Nhật đã vận hành khách sạn Grandvrio City Đà Nẵng tiêu chuẩn 4 sao. Dự án 400 tỉ đồng này có thể coi là khởi động cho quá trình đổ bộ của tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật vào phân khúc khách sạn tầm trung tại Việt Nam. Theo tỉ phú Nagayama Katsutoshi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Route Inn Group, tập đoàn này sẽ mở rộng chuỗi khách sạn và nghỉ dưỡng tại Việt Nam lên đến 50 tổ hợp từ nay đến hết năm 2025. Dự kiến cuối tháng 5, khu nghỉ dưỡng 5 sao Grandvrio Ocean Resort Danang sẽ khai trương tại Điện Bàn (Quảng Nam); năm 2018 dự kiến mở thêm một dự án ở Huế. Một thương hiệu khách sạn khác từ Nhật là Azumaya Hotel hiện cũng đã xây dựng được 9 cơ sở...
“Các thương hiệu khách sạn sẽ gia tăng giá trị cho nền tảng kinh doanh của họ và cách tốt nhất để phát triển thường là mua lại hệ thống điều hành cho việc vận hành và những hợp đồng nhượng quyền”, ông Lauro Ferroni, Phó Chủ tịch JLL, cho biết. Ngoài ra , JLL cũng đưa ra mức dự báo khối lượng đầu tư khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương năm nay khoảng 8-9 tỉ USD, ngang bằng với mức 8,5 tỉ USD của năm 2016. Cùng với mức dự báo này, thị trường Đông Nam Á được cho sẽ là nơi thu hút được các nhà đầu tư nhất. Trong đó, điểm nhấn là Việt Nam, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được mức kỷ lục về lượng du khách quốc tế đến.
“Những thị trường này tiếp tục ghi nhận các hoạt động thương mại sôi nổi và du lịch phát triển mạnh. Lượng khách du lịch đến Singapore và Việt Nam đã đạt kỷ lục vào năm ngoái. Những nhà đầu tư dài hạn đã đến đây với mục đích nghỉ dưỡng cũng như tìm cơ hội đầu tư vào các khu resort và trung tâm tài chính”, ông Frank Sorgiovanni, Giám đốc nghiên cứu, bộ phận Khách sạn, châu Á - Thái Bình Dương, JLL, cho biết.
Đức Tài