Ảnh: Dantri.vn

 
Duyên Hà Thứ Ba | 04/02/2020 13:22

Khách sạn đóng cửa, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục gặp khó trong năm 2020

Sau việc vỡ trận cam kết lãi suất của Cocobay Đà Nẵng hồi năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm nay tiếp tục lao đao vì dịch bệnh corona.

Dịch bệnh corona đang diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng. Để kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã tạm ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng,  sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn và tác động nghiêm trọng đối với ngành du lịch toàn cầu trong cả ngắn hạn và trung hạn.

Theo đại diện Savills, Trung Quốc hiện đang là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, năm 2019, lượng du khách Trung Quốc chiếm tới hơn 30% tổng lượt khách quốc tế. Do đó, trước những lo lắng về nguy cơ lây nhiễm virus Corona, không chỉ du khách Trung Quốc mà cả du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới có kế hoạch du lịch đến Châu Á đều đã hủy tour và hủy đặt phòng khách sạn.

“Các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ”, ông Gasparotti nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục gặp khó trong năm 2020. Ảnh minh họa
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục gặp khó trong năm 2020. Ảnh minh họa

Ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra khiến ngành du lịch Khánh Hòa ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2019, lượng du khách Trung Quốc chiếm tới hơn 70% tổng lượt khách quốc tế. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, công suất buồng phòng của nhiều khách sạn chỉ đạt dưới 20%, thậm chí nhiều khách sạn còn rơi vào cảnh bỏ trống.

Dẫn ví dụ thực tế, ông Vinh cho biết hiện ông có 2 khách sạn một khách sạn 61 phòng nhưng giờ chỉ có 6 phòng hoạt động và một khách sạn 350 phòng hiện chỉ hoạt động 60-70 phòng nên rất nan giải.

“Nếu trong 2 - 3 tháng tới thị trường phục hồi nguồn khách thì các doanh nghiệp có thể cầm cự nổi nhưng kéo dài đến 6 tháng chắc chắn tình trạng phá sản của doanh nghiệp du lịch sẽ tăng cao” - ông Vinh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết, sau việc vỡ trận cam kết lãi suất của Cocobay Đà Nẵng hồi năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm nay tiếp tục lao đao vì dịch bệnh corona.

 

Theo ông Đính, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua đã có tâm lý e ngại khi nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không đáp ứng được cam kết lãi suất với khách hàng. Cùng với những lo ngại liên quan các vấn đề pháp lý của condotel khiến thị trường càng khó.

“Khi gặp phải cú sốc dịch bệnh, năm nay sẽ là năm tiếp tục khó khăn đối với phân khúc này”, ông Đính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Môi giới bất động sản TP.HCM, nhận định trong ngắn hạn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ gặp nhiều khó khăn khi không chỉ khách Trung Quốc mà châu Âu, Mỹ cũng hạn chế di chuyển đến các nước. Cùng với đó, nhiều căn hộ condotel đang được hoàn thiện và đưa ra thị trường. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với các dự án đã và đang hoạt động.

“Sau đại dịch, khách du lịch sẽ tiếp tục suy giảm do đây là giai đoạn hồi phục. Do đó, năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Hùng bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ lạc quan khi cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tốt lên sau đại dịch corona. Lý giải về điều này, ông Hùng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài và người dân Trung Quốc sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc và đầu tư và an cư tại các nước Đông nam Á, trong đó có Việt Nam. Dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá. Riêng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ khó khăn và khả năng phục hồi sớm nhất là quý III/2020.

Nông sản Việt 'lao đao' vì virus corona

Nhu cầu cao su Trung Quốc giảm sút do virus corona, Tập đoàn cao su Việt Nam tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới

Sau thương chiến, 'cú bồi' virus corona có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái