Nhóm bất động sản khu công nghiệp có kết quả kinh doanh trái chiều trong quý II. Hình ảnh minh họa: KD.

 
Nhật Anh Thứ Tư | 16/08/2023 07:20

Kết quả kinh doanh trái chiều của các công ty bất động sản khu công nghiệp

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp lại có những điểm đáng chú ý.

Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết họ nhận thấy hầu hết các công ty bất động sản khu công nghiệp niêm yết đều sở hữu hợp đồng ghi nhớ (MOU) cho thuê đất tương đối lớn, tuy nhiên không phải toàn bộ đều đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho khách hàng trong nửa đầu năm 2023. Kết quả kinh doanh của nhóm này cũng cho thấy sự phân hóa. 

Nổi bật nhất là Công ty Cổ phần Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II/2023, nối dài đà tăng trưởng với doanh thu tăng 421% so với cùng kỳ đạt 2.051 tỉ đồng và lợi nhuận ghi nhận 711 tỉ đồng, chủ yếu tới từ việc bàn giao đất tại dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh cho Goertek, khoảng 62,7 hecta. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, diện tích đất khu công nghiệp mà đơn vị này đã bàn giao đạt khoảng 128 hecta, giúp cho doanh thu/lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 bật tăng mạnh lần lượt 294%/1.336% so với cùng kỳ. 

 

Không chỉ Đô thị Kinh Bắc, Sonadezi Châu Đức (mã SZC) sau kết quả đáng thất vọng trong quý I/2023, Công ty đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2023 với doanh thu/lợi nhuận tăng lần lượt 9,7%/56,9% so với cùng kỳ, ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất theo quý. 

Số liệu từ VNDirect, diện tích đất khu công nghiệp cho thuê trong quý II/2023 của doanh nghiệp này ước đạt 30 hecta nhờ thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Sonadezi Châu Đức đã bàn giao được 32 hecta, đạt khoảng 50% hợp đồng ghi nhớ cho thuê đất cả năm 2023.

 

Trong khi đó, Cao su Phước Hòa (mã PHR) ghi nhận doanh thu quý II/2023 giảm 17,4% so với cùng kỳ chỉ đạt 201 tỉ đồng, chủ yếu do suy giảm mảng cao su tới từ hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, lợi nhuận quý II/2023 bất ngờ tăng 136,5% so với cùng kỳ, đạt 122 tỉ đồng nhờ ghi nhận doanh thu khác 74 tỉ đồng từ thanh lý vườn cây cao su và cổ tức từ Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên khoảng 16 tỉ đồng. 

Ở chiều ngược lại, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (mã BCM) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý II/2023 với doanh thu/lợi nhuận lần lượt giảm 33,2%/85,4% so với cùng kỳ tới từ việc chậm giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cùng với đó là sự gia tăng của các chi phí đã bào mòn hiệu quả kinh doanh. 

Cũng như BCM, Tổng Công ty IDICO (mã IDC) ghi nhận doanh thu/lợi nhuận quý II/2023 giảm lần lượt 27,2%/62,6% so với cùng kỳ do giải phóng mặt bằng chậm hơn kỳ vọng và phần diện tích đất chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. 

Có thể bạn quan tâm 

Tăng trưởng GDP quý III có thể đạt 5,5% - 6%