Ảnh: batdongsan.com

 
Duyên Hà Thứ Hai | 11/11/2019 20:39

HoREA: Khung giá đất hiện tại chỉ bằng khoảng 30-50% thị trường

Theo HoREA, hiện nay giá đất trong bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phổ biến chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất thực tế trên thị trường.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý kiến về khung giá đất mới cho giai đoạn 2019 – 2024.

Trong văn bản này, HoREA chỉ ra sự bất cập của khung giá đất. “Hàng năm, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất…”. Quy định này dẫn đến tình trạng giá đất trong bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phổ biến chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất thực tế trên thị trường. Đây là điểm bất hợp lý vì không đảm bảo được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”, văn bản nhấn mạnh.

Nghị định 104 quy định giá đất tối đa tại TP.HCM (liệt vào nhóm đô thị đặc biệt) là 162 triệu đồng mỗi m2. Căn cứ khung giá đất, TP.HCM quy định 03 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ quận 1 có mức giá đất ở cao nhất 162 triệu đồng/m2 (bằng mức giá đất tối đa của Khung giá đất). Giá đất của đường Lê Duẩn, quận 1 là 110 triệu đồng/m2… Hiệp hội nhận thấy Ủy ban nhân dân thành phố đã chưa sử dụng thẩm quyền được quy định mức giá đất trong bảng giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của khung giá đất.

Ngày 01/08/2019, UBND thành phố đã ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019. Theo quy định, khu vực 1, trong đó có quận 1 áp dụng hệ số  2,5. Như vậy, mức giá đất để tính nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của 03 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ là 405 triệu đồng/m2; Giá đất của đường Lê Duẩn là 275 triệu đồng/m2, đều thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế thị trường.

HoREA cho rằng khung giá đất hiện tại đang thấp hơn thị trường
HoREA cho rằng khung giá đất hiện tại chỉ bằng khoảng 30-50% thị trường. Ảnh: baomoi.com

Không chỉ bất cập và hạn chế trong việc quy định Khung giá đất ở, mà kể cả trong việc quy định Khung giá đất thương mại, dịch vụ và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại hai đô thị đặc biệt Hà Nội, TP.HCM cũng bất cập và hạn chế.

Từ đó, Hiệp hội đề xuất 03 phương án xây dựng Khung giá đất (mới).

Phương án 1: Giữ nguyên mức giá tối thiểu; Tăng khoảng gấp đôi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.

Phương án 2: Giữ nguyên mức giá tối thiểu; Tăng khoảng gấp rưỡi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.

Phương án 3: Giữ nguyên mức giá tối thiểu; Tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.

 HoREA cho rằng, phương án 3 có mức giá hợp lý nhất. Theo đó, khung giá đất ở tối thiểu 1,5 triệu đồng/m2, tối đa 215,4 triệu đồng/m2.  Giá tối đa: 215,4 triệu đồng/m2. Khung giá đất thương mại, dịch vụ tối thiểu1,2 triệu đồng/m2, tối đa 172,3 triệu đồng/m2. Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tối thiểu 900 nghìn đồng/m2, tối đa 129,2 triệu đồng/m2.

Nếu trong trường hợp Chính phủ cân nhắc các yếu tố vĩ mô mà không thể lựa chọn phương án 3, HoREA cho rằng có thể xem xét lựa chọn phương án 2, không nên lựa chọn phương án 1.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn. Theo đó, UBND TP.HCM sẽ tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm ngoái. Nghĩa là chính quyền sẽ tính toán lại giá đất, làm căn cứ để tăng thu tiền sử dụng đất trên khắp địa bàn.

Theo tính toán, liên Sở Tài chính - Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang đề xuất mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất theo từng khu vực từ nội thành đến ngoại thành vào khoảng 19 - 30%.

Đánh giá về tác động của khung giá đất, bảng giá đất đối với thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA)cho biết, giá nhà đất tăng sẽ làm giảm quy mô tổng cầu có khả năng thanh toán do một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà. Do vậy, có thể dẫn đến sụt giảm quy mô giao dịch trên thị trường bất động sản, trước hết là đối với phân khúc thị trường bất động sản cao cấp, condotel… và giảm quy mô thị trường đầu tư thứ cấp đang “rất nóng” hiện nay, nhưng cũng có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, nếu khung giá đất, Bảng giá đất có mức giá đất quá cao, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.

►TPHCM phải xây dựng lại bảng giá đất theo khung mới

TP.HCM điều chỉnh bảng giá nhà ở, giá nhà lại tiếp tục tăng?

Khung giá đất chỉ bằng 20% giá thị trường