HoREA: Cảnh báo tình trạnh thiếu nguồn vốn cho bất động sản
Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có bất động sản. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 01/01/2019. Lộ trình này nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản tìm nguồn vốn khác ngoài ngân hàng.
"Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế là khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.", ông Châu Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoRea nói.
Theo đó, hoạt động kinh doanh bất động sản cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở các nước thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên ở Việt Nam, dù thời điểm áp dụng đang gần kề nhưng cả nước mới chỉ có một quỹ đầu tư bất động sản là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ, chỉ có 50 tỷ đồng, nên chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường bất động sản.
Theo thống kê của HoREA, tỷ trọng cho vay bất động sản đang chiếm 7,5% tổng dư nợ tín dụng (chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng được sử dụng để kinh doanh bất động sản); Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ trọng này là 10,8% cao hơn mức bình quân của cả nước.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, chủ đầu tư dự án phải có vốn chủ sở hữu 15-20%, còn lại 80-85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.
Việc điều tiết cho vay bất động sản là chủ trương đúng đắn của Chính phủ vì tỷ trọng cho vay cao tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và cả doanh nghiệp bất động sản, nhất là ở Việt Nam trong thời gian dài các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phụ rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.