Nhà ở sinh viên hay ký túc xá không phải là ưu tiên hàng đầu của các trường kể cả trường tư và trường công. Ảnh: TL.
"Hộp ngủ" và bài toán khó ký túc xá cho sinh viên
Sống ở phòng trọ trong một con hẻm của quận Bình Thạnh đã hơn 2 năm, Thu Nguyệt (quê Hà Tĩnh) cho biết: “Trường đại học không có ký túc xá nên em phải thuê trọ bên ngoài. Không có xe máy để đi lại, với khoản trợ cấp 3 triệu đồng mỗi tháng từ gia đình, em chỉ có thể lựa chọn ở phòng trọ gần trường”. Phòng trọ của Thu Nguyệt có 8 giường tầng, phòng sinh hoạt, bếp và sân phơi chung, có dịch vụ giặt ủi nếu sinh viên có điều kiện thuê sử dụng. Sự riêng tư của họ là những tấm rèm ngăn được kéo xuống mỗi khi đi ngủ.
Cũng là sinh viên đại học nhưng Minh Thư (quê Lâm Đồng) lại bước ra từ căn nhà phố khang trang nằm ngay trên quốc lộ 13, quận Bình Thạnh. Bất ngờ với những gì Minh Thư chia sẻ khi giá thuê ở đây chỉ từ 1,6-1,7 triệu đồng mỗi tháng, đã bao gồm tất cả các chi phí. Phòng của Minh Thư rộng khoảng 40 m2 với 8 giường tầng tiện nghi, có kệ sách, gương soi và cả tủ quần áo, ngay cả nệm và chăn gối cũng được chủ nhà chuẩn bị sẵn, người thuê chỉ cần xách vali vào ở.
Chia sẻ với NCĐT, anh Nguyễn Bình, chủ của nhiều căn hộ cho thuê trên địa bàn TP.HCM, cho hay, ở lĩnh vực nhà trọ cho thuê, anh kinh doanh nhiều mô hình, từ căn hộ dịch vụ đến các ký túc xá. Mô hình ký túc xá này, theo anh Bình, thực chất là mô phỏng ký túc xá của các trường đại học nhưng có sự đầu tư hơn về cơ sở vật chất, tiện nghi và dịch vụ. Mỗi giường tầng được anh thiết kế đầy đủ trang thiết bị tiện nghi và mỗi phòng có từ 4-8 giường tầng. Với mỗi tòa nhà 5 tầng, công suất phục vụ khoảng 80 người, có bảo vệ và ban quản lý.
Anh Bình cho biết anh lựa chọn những căn nhà mới, nằm trên các trục đường lớn, hệ thống điện có aptomat tự động, có hệ thống phòng cháy chữa cháy, khu nấu ăn riêng biệt và đảm bảo luôn có quản lý bên cạnh để hạn chế tối đa rủi ro. Mô hình này của anh không phải các hộp ngủ (tương tự giường tầng ký túc xá nhưng là các hộp nhỏ khép kín, có cửa khóa tạo sự riêng tư) mà chỉ là hình thức giường tầng giống ký túc xá đại học nhưng hiện đại và khang trang hơn.
Nhu cầu về chỗ ở đối với tân sinh viên là vô cùng lớn và tăng dần qua các năm. Trong khi đó, công suất phục vụ của ký túc xá tại các trường đại học chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Đơn cử như ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM có sức chứa khoảng 40.000 sinh viên, trong khi số lượng sinh viên của khối Đại học Quốc gia TP.HCM lên đến khoảng 94.000 sinh viên. Hay như chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 của Đại học Ngân hàng TP.HCM là hơn 4.300 chỉ tiêu, trong khi ký túc xá của trường này chỉ có sức chứa khoảng 2.200 sinh viên.
Ký túc xá ở trường có quy mô gần như cố định do hạn chế về quỹ đất, trong khi số lượng sinh viên đổ về các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội ngày càng đông. Vì lẽ đó, các khu nhà trọ sinh viên, ký túc xá sinh viên hay các hộp ngủ tư nhân thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học.
Thoạt nhìn ở góc độ tích cực, với giá thuê hợp lý và vị trí địa lý thuận tiện, các hộp ngủ hay giường tầng ký túc xá này trở thành lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, nhằm gia tăng lợi nhuận, không ít chủ trọ lắp đặt nhiều giường tầng, hộp ngủ khiến các căn nhà bị quá tải, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Thực tế, rất nhiều các hộp ngủ ở TP.HCM đã bị đình chỉ hoạt động trong thời gian vừa qua. Điều này vô hình trung khiến nhiều sinh viên không tìm được chỗ ở phù hợp với túi tiền vì giá thuê thấp thì không đảm bảo an toàn, giá thuê cao lại vượt quá khả năng chi trả.
Chia sẻ với NCĐT, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng bài toán về nhà trọ sinh viên đối với các trường tư, những trường tự chủ về tài chính thật sự không dễ dàng. Ký túc xá của các trường ngày càng không đủ đáp ứng nhu cầu của sinh viên khi quy mô tuyển sinh ngày càng tăng.
Trong khi đó, nhà ở sinh viên hay ký túc xá không phải là ưu tiên hàng đầu của các trường kể cả trường tư và trường công. Các trường đại học trên thế giới cũng vậy và cách của họ là ưu tiên sinh viên năm nhất, năm 2 được ở ký túc xá, trong khi năm 3, năm 4 phải dọn ra ngoài.
“Với góc nhìn chính sách và làm quy hoạch, chúng ta cần hướng đến quy hoạch trường đại học có luôn chỗ ở cho sinh viên để đảm bảo di chuyển và sinh hoạt cho các em, như khu Đại học Quốc gia tôi thấy là rất tốt”, ông Khương nói.
Ông Marc Townsend, Cố vấn cấp cao của Arcadia Consulting Vietnam, nhận định, thị trường nhà lưu trú cho sinh viên có tiềm năng tăng trưởng cao. Khi thị trường này góp phần tăng cường khả năng tiếp cận tri thức cho sinh viên, đồng thời mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp phát triển bất động sản lại “ngại” tham gia phân khúc nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội hay nhà ở thu nhập thấp vì một số lý do như biên lợi nhuận thấp, quỹ đất gặp khó khăn, thủ tục pháp lý còn nhiều trở ngại. Thậm chí, khi doanh nghiệp chấp nhận biên lợi nhuận thấp để tham gia phân khúc này thì quỹ đất cũng là một bài toán khó. Quan trọng là quy hoạch trường ở đâu, ký túc xá ở đâu để có thể liên kết với nhau và giảm chi phí cho sinh viên.
Bài toán về chỗ ở của sinh viên vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi mùa tuyển sinh năm nay TP.HCM lại sắp đón hàng chục ngàn tân sinh viên, trong đó có rất nhiều sinh viên ở tỉnh lẻ rời quê lên thành phố học tập.
Với tình hình hiện nay, mô hình ký túc xá tư nhân hay các hộp ngủ vẫn sẽ tồn tại và phát triển, nhưng có lẽ sự phát triển bền vững sẽ chỉ dành cho những nơi mà chủ nhà đầu tư chỉn chu và đáp ứng các quy định về an toàn
Có thể bạn quan tâm