Thứ Ba | 16/09/2014 16:27

Hơn 50 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản

Hàn Quốc là một trong những quốc gia rót vốn vào lĩnh vực bất động sản lớn nhất với gần 7 tỷ USD, rải đều 80 dự án...
Từ năm 1988 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã triển khai và đăng ký tổng cộng 16.910 dự án với tổng vốn đăng ký lên tới 243 tỷ USD.

Số liệu được Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Nội đưa ra tại hội thảo về luật xây dựng do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) cùng Viện nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS) tổ chức sáng 16/9.

Theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng năm 2014, có 992 dự án mới và 349 dự án mở rộng với 10,23 tỷ USD. Nếu tính trong vòng 26 năm qua, Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam với hơn 36,2 tỷ USD vốn đầu tư. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia có số dự án đứng đầu lên tới 3.930 dự án, số vốn xếp thứ 2, đạt hơn 32 tỷ USD.

Trong số hơn 243 tỷ USD vốn FDI nói trên, lĩnh vực sản xuất được các nhà đầu tư rót nhiều nhất với 131,6 tỷ USD, đến từ 9.207 dự án. Tiếp theo là bất động sản với gần 50,1 tỷ USD, từ 430 dự án. Các lĩnh vực khác như dịch vụ nhà ở và nhà hàng chiếm 11 tỷ USD, xây dựng (10,8 tỷ USD), cung cấp điện, khí gas, nước, điều hoà (9,7 tỷ USD).

Nếu xét về địa phương đón vốn FDI, Tp HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong 26 năm qua với 5.040 dự án, số vốn đạt 35,9 tỷ USD. Xếp thứ 2 là Bà Rịa - Vũng Tàu với 299 dự án, vốn đạt 26,6 tỷ USD. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 3 với 2.898 dự án, vốn đạt 23,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, Hàn Quốc là một trong những quốc gia rót vốn vào lĩnh vực bất động sản lớn nhất với gần 7 tỷ USD, rải đều 80 dự án. Ngoài ra, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng rót hơn 2,3 tỷ USD cho 543 dự án trong lĩnh vực xây dựng. Hà Nội là địa phương được các nhà đầu tư Hàn Quốc “ưa chuộng” nhất với 821 dự án, đạt 5,2 tỷ USD. Tiếp đó là Đồng Nai, Tp HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Kim Kyunggil, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc, sở dĩ Hàn Quốc chọn Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia đầu tư lớn nhất là bởi Việt Nam là đối tác chiến lược, có vị trí lý tưởng, lại là quốc gia có dân số tăng trưởng, nguồn nhân lực cạnh tranh, có nhiều tương đồng về văn hoá…

Nguồn VnEconomy


Sự kiện