Hơn 1,13 tỉ USD rót vào Bình Phước
Hơn 20 dự án đăng ký rót vào Bình Phước trong hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, trong đó có nhiều dự án tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Ngày 20/8/2018, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội nghị với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành, tổng lãnh sự, tham tán thương mại các nước đã hoặc dự kiến đầu tư tại tỉnh, lãnh đạo các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.
Hội nghị nhằm giới thiệu về thế mạnh, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của tỉnh đối với doanh nghiệp; về môi trường đầu tư tại tỉnh Bình Phước thể hiện qua các nỗ lực của tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ trong khu, cụm công nghiệp.
Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước là cầu nối giữa Đông Nam bộ với Tây nguyên, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt nằm ngay cạnh Bình Dương và TP.HCM. Cơ sở hạ tầng của tỉnh đã được nâng cấp đáng kể và nhờ đó hiện Bình Phước cách các khu sân bay, cụm cảng quốc tế như Tân Sơn Nhất, Long Thành, Tân Cảng, Cái Mép - Thị Vải chỉ hơn 1 giờ đi xe. Đặc biệt, tỉnh có 240 km đường biên giới, là một trong những cửa ngõ quan trọng kết nối với nước bạn Campuchia và khu vực Đông Nam Á.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 6.425 doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh 53.506 tỉ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới là 568 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 7.465 tỉ đồng. Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) khi mới tái lập, tỉnh chỉ có duy nhất 01 dự án đầu tư nước ngoài, thì đến nay đã có 185 dự án với vốn đăng ký 1,85 tỉ USD, tăng gấp 90 lần.
Riêng 7 tháng đầu năm, tỉnh thu hút được 22 dự án với số vốn đăng ký 314 triệu USD, trong đó có 7 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Becamex Bình Phước với số vốn đăng ký 272 triệu USD.
Trong tổng số 185 dự án FDI thu hút được, đến nay đã có 125 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho 48.500 lao động, trong đó 60% là lao động tại chỗ của địa phương, còn lại 40% là lao động từ nơi khác đến.
Hiện tại, tỉnh có 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Trong đó có KCN Minh Hưng Hàn Quốc do nhà đầu tư Hàn Quốc (Công ty TNHH C&N Vina) làm chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng với diện tích 193ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, nhà đầu tư thứ cấp chủ yếu đến từ Hàn Quốc. Dự án Khu Công nghiệp và Đô thị Becamex Bình Phước (Khu liên hợp Becamex Bình Phước) do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước đầu tư được triển khai tại huyện Chơn Thành với tổng diện tích trên 4.600ha, trong đó khu công nghiệp hơn 2.400ha, khu đô thị, khu tái định cư gần 2.200ha.
Trong thời gian tới, định hướng của tỉnh sẽ tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ cao su, điều, tiêu, cây ăn trái; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm; các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đầu tư tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Nhân Hội nghị này, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án đầu tư trong và nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1,133 tỉ USD.
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Thu hút đầu tư hơn 1 tỷ USD là rất ấn tượng. Nhưng đây mới là những cam kết, những dự án trên giấy. Phải biến chúng thành hiện thực. Không để tình trạng các dự án đầu tư nằm trên giấy”.
Thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh cứ mỗi năm tăng thêm 1.000 tỷ đồng và phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này sẽ tự trang trải ngân sách mà không cần Trung ương hỗ trợ. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu khả năng kết nối giao thông Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt xuống cảng từ Bình Phước.
Thủ tướng cũng đề nghị phát triển nông nghiệp thông minh, mang bản sắc của vùng đất đỏ basalt và khai thác tiềm năng thủy sản, một lợi thế to lớn của Bình Phước. Cùng với đó, xây dựng một nền công nghiệp chế biến công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, các loại cây công nghiệp và chế biến lâm sản trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.